Mật ong đen siêu hiếm, tương đen ‘có một không hai’ ở Gia Lai
Loại mật ong lạ, vừa đen vừa đắng giá triệu đồng/lít
Ngoài các mặt hàng mật ong rừng quen thuộc như mật ong khoái, mật ong hoa bạc hà, mật ong hoa cà phê,… gần đây, thị trường xuất hiện một loại mật ong lạ có màu đen sì và vị đắng, đó là mật ong hoa sâm, hay còn gọi là mật ong đắng Ngọc Linh. Đây là loại mật ong rừng cực kỳ quý hiếm, chỉ có ở vùng núi cao, trên đỉnh Ngọc Linh với độ cao 1.400m so với mực nước biển, rất khó khai thác.
Thêm nữa, vì mật được thu hoàn toàn tự nhiên, nên số lượng rất ít. Tổ mật ong hoa sâm thường rất nhỏ, mỗi tổ ong chỉ cho sản lượng mật từ 400-600 ml/năm nên lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng, không đủ bán.
Loại mật ong rừng này rất quý bởi con ong chuyên hút mật của hoa sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu quý khác nên khi lấy được mật hương vị sẽ cực kỳ thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với các loại mật ong khác.
Khi thưởng thức, ngoài vị ngọt đặc trưng của mật ong rừng sẽ còn nếm thêm được vị hơi đắng thanh. Đặc biệt, khi nếm thử loại mật này còn có mùi thơm của nhân sâm. Còn về màu sắc, mật ong hoa sâm có màu nâu đậm hoặc màu đen chứ không phải màu vàng cánh gián như các loại mật thông thường. Vì thế, mật ong hoa sâm có giá bán trên thị trường luôn ở mức cao, dao động từ 900.000 đến hơn 1 triệu đồng mỗi lít.
Độc lạ loại tương đen ăn cùng đặc sản phở khô
Tương đen là loại gia vị độc đáo, “linh hồn” của phở khô Gia Lai – món ăn được công nhận là “giá trị ẩm thực châu Á”. Nguyên liệu để làm tương đen là đậu nành lên men cùng muối hạt và mật mía. Loại tương này được làm rất công phu để mang đến mùi vị riêng cho món phở.
Chuyện về người giữ nghề làm tương lâu năm nhất ở phố núi Pleiku cũng rất thú vị. Báo Dân Trí cho hay, 20 năm trước, ông Nguyễn Hữu Cường (63 tuổi, trú TP. Pleiku, Gia Lai) nhận thấy gia vị chính của món phở khô Gia Lai là tương đen đều phải nhập về từ TP.HCM. Từ đó, ông Cường dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chế ra món tương đen để ăn cùng phở khô Gia Lai.
“Tương đen ở Sài Gòn và Gia Lai khác nhau ở mùi vị, hương thơm. Về mùi vị, loại tương đen của người Hoa đều có vị ngọt hơn, hương cũng khác nhau, do điều kiện khí hậu mỗi nơi. Một nơi nắng nhiều, một nơi lại lạnh nhiều nên món tương đen cũng có hương vị riêng biệt”, ông Cường chia sẻ.
Mỗi ngày, xưởng tương đen của ông Cường sản xuất được hơn 600kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, xưởng ông Cường lãi trên 35 triệu đồng.
Miến dong sợi to lạ mắt giá cao vẫn hút khách
Chợ mạng gần đây xuất hiện một loại miến đặc biệt, nhìn thoáng qua tưởng là sợi phở nhưng thực ra đây là loại miến dong thái tay của người dân Mường Phăng, tỉnh Điện Biên.
Một tiểu thương ở Điện Biên chuyên bán lẻ và sỉ loại miến này, cho biết, miến dong sợi to được chế biến từ củ dong riềng, được chính những người dân bản Thái làm hoàn toàn bằng tay, rất công phu theo cách truyền thống. Khác với các loại miến khác được thái sợi nhỏ, loại miến này được thái sợi to dạng phở trông rất lạ mắt. Những sợi miến có màu đen trong veo, thơm đặc trưng, với hương vị của vùng sơn cước. Vì được làm từ bột củ dong riềng nên loại miến sợi to này mềm nhưng có độ dai, không bị nát, không bết dính vào nhau và nhất là không trương khi chế biến như các loại miến khác.
Do không chứa tinh bột đường nên loại miến này phù hợp với những người đang phải ăn kiêng, như người bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp, ung thư, táo bón hay muốn giảm cân… Loại miến dong này có thể nấu nhiều món khác nhau như nấu mì, làm phở xào, trộn gỏi hay thả lẩu,… Hiện 1kg miến thái sợi to có giá 80.000-90.000 đồng/kg. Dù bán với giá đắt hơn gấp đôi loại miến thông thường, nhưng miến dong sợi to vẫn hút bà nội trợ đặt mua về ăn.
Bánh bao lạ giá 40.000 đồng/chiếc, khách xếp hàng mua
Khách hàng sẽ bị thu hút ngay lần đầu với những chiếc bánh bao của chị Võ Thuỳ Ngân (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vì hình dáng rất lạ, khác với loại bánh bao thông thường. Chia sẻ trên Arttimes, chị Ngân cho hay, trước đây, chị là giáo viên dạy Mỹ thuật. Nhưng đam mê làm bánh, chị đã dừng lại việc làm giáo viên về nhà gắn bó với căn bếp, làm các loại bánh.
Khi thành thạo cách làm bánh bao truyền thống, chị bắt đầu nghĩ đến việc tạo hình cho những chiếc bánh bao của mình trở nên đẹp và thu hút hơn. Chị thử nghiệm làm bánh bao với các hình dễ thương: Doraemon, con lợn, bông hoa…
Để làm những chiếc bánh này, người làm cần tỉ mỉ, kiên trì và chỉnh chu trong từng công đoạn vì cần phải tạo hình bằng tay nên tốn nhiều thời gian hơn.
Mỗi chiếc bánh bao có hình dáng lạ được chị bán với giá từ 10.000-40.000 đồng/chiếc, tuỳ thuộc vào kiểu dáng và độ cầu kỳ. Dù giá bán có cao hơn loại bánh bao thông thường, khách hàng vẫn đặt mua rất nhiều.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)