Ngược ngàn rong ruổi săn mật ong rừng
Muốn lấy được mật ong khoái, cánh thợ săn lâu năm ở huyện Thanh Sơn thường rủ nhau vào rừng mùa nắng. Bởi lẽ loại ong này thường xây tổ từ bột cây khô, chúng thích lửng lơ ở gần khe suối, hang đá, nơi có độ ẩm cao và thoáng mát.
Theo chân anh Trịnh Hoài Nam (xã Vụ Cầu, Thanh Sơn, Phú Thọ) đi rừng tìm mật, 7h sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối lần theo dấu ong. Vùng này rừng còn nguyên sinh, tán cây xanh thẫm, không khí mát lạnh, hương rừng tinh khiết khiến ai đặt chân đến cũng tranh thủ hít căng lồng ngực, để xả hết khói bụi phố phường.
Cùng đi lấy mật ong rừng còn có 8 người. Họ không chỉ lấy mật ở những cánh rừng Tân Sơn mà còn ở Hòa Bình, Sơn La. Hành trang mang theo là nước uống, lương khô, đồ bảo hộ, túi bóng đựng mật, một con dao, vài sợi dây và chiếc bật lửa.
Sau vài giờ len lỏi trong cánh rừng già, anh Nam cùng những người bạn có thể dễ dàng tìm được nơi ẩn nấp của loài ong, kiếm hàng triệu đồng từ nghề có phần hoang dã và phiêu lưu này.
Tuy có giá trị kinh tế cao, thế nhưng đối với anh Nam, nghề săn mật ong rừng cũng chỉ là nghề tay trái. Bởi thông thường vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, khi tiết trời khô ráo thì đàn ong mới về làm tổ. Đến mùa mưa, đàn ong sẽ tự động tản đi nơi khác để trú ngụ. Cánh thợ săn lúc này cũng thanh thản cất gọn đồ đạc, quay trở lại với công việc thường nhật.
Lần đầu tiết lộ về kinh nghiệm trong nghề săn mật, anh Nam kể: “Chỉ cần nhìn hướng ong bay thấp hay bay cao, số lượng ít hay nhiều cũng có thể đoán được vị trí và kích thước của tổ ong. Nếu ong uống nước xong lượn vòng xoáy ốc rồi bay cao lên là dấu hiệu mừng vì chắc chắn tổ của nó gần đây”.
Lần theo hướng đàn ong bay, chúng tôi phát hiện ra một tổ ong khoái nằm trên ngọn cây, cách mặt đất gần 20 m. Sau đó, những người thợ bắt đầu lấy dao gom lá rừng khô cuộn thành một đống bùi nhùi rồi nhen lửa. Đống bùi nhùi phải bện chặt, độn thêm ít lá tươi tạo khói khiến đàn ong rời tổ.
Anh Nam trèo lên và khua bùi nhùi khói đuổi ong, rồi thọc tay cắt từng bọng sáp đầy mật. Toàn bộ công đoạn này mất chừng mười phút.
Là một trong những thợ săn mật ong rừng có tiếng, anh Hà Văn Luật (xã Đông Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ, công việc tìm mật cũng gặp nhiều nguy hiểm, bất trắc bởi các tổ ong nằm cheo leo trên nhành cây cao. Người thợ rừng phải có sức khoẻ, leo trèo giỏi để dùng dao cắt nhỏ các tổ, “vận chuyển” tầng mật xuống đất, tránh bị hỏng.
“Có những lúc vắt vẻo trên ngọn cây cao, rồi những khi cheo leo bên vách núi đá. Nhiều thợ rừng mới vào nghề, trang bị đồ bảo hộ chưa cẩn trọng bị ong rừng đốt, té ngã từ cây cao xuống, mình đầy thương tích”, anh Luật nói.
Một quy định bất thành văn, thợ rừng không khai thác cạn kiệt mật ong, bao giờ họ cũng để lại một ít tầng mật để đàn ong tiếp tục trở lại xây tổ. Với các tổ ong mới xây chưa có nhiều mật, nhóm thợ sẽ không khai thác.
Thường thì ong rừng ở Đông Bắc được chia thành 4 loại chính, gồm ong đá, ong ruồi, ong rú và ong khoái. Riêng loại ong khoái lại có kích thước to hơn cả, chúng có nọc độc nhưng lại cho vị mật ngọt thanh nhất.
Tất cả các thao tác được thực hiện càng nhanh càng tốt, bởi nếu ở trên cây quá lâu, đàn ong phát hiện bị mất tổ sẽ tấn công lại, rất nguy hiểm.
Sau khi lấy được ba tổ ong, chúng tôi tiếp tục ngồi quan sát, ngược dốc, băng qua những phiến đá, dây leo chằng chịt để tìm một tổ ong khác, cuối chiều vẫn không tìm thêm được, chúng tôi lại men theo lối cũ để xuống núi, kết thúc một ngày theo dấu ong.
Tối đến, trong căn nhà nhỏ nép mình bên sườn đồi, anh Nam ngồi cắt những bầu mật để xếp lên chiếc giá cho mật chảy tự nhiên, từng chậu mật đặc sánh, vàng suộm lần lượt được lọc qua lớp vải màn rồi rót vào chai để bán.
Nguy hiểm là thế nhưng những tháng ngày rong ruổi khắp các cánh rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp cho những cánh thợ săn thỏa mãn lối sống gần gũi thiên nhiên, với cây cỏ, núi rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!