Kiến thức tài chính

Nước Anh và bài toán EU – Tạp chí Cộng sản

Kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ban đầu chỉ nhận được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ chính trị gia, nhưng sau đó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Anh mà còn cả Liên minh.

Vì sao Anh muốn ra khỏi EU?

Nước Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1973. Năm 1975, theo một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC được tổ chức ở Anh, có 67,2% số người bỏ phiếu không ủng hộ việc ra khỏi EU. Tuy nhiên, sau bốn thập niên gắn bó với EU, một bộ phận người dân Anh cho rằng, mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích quốc gia, thậm chí nước Anh còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công của Khối.

Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-rôn bắt đầu chiến dịch tạo sự thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa Vương quốc Anh với EU từ năm 2013 và lên tiếng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không. Bốn luận điểm chính được ông Đ. Ca-mơ-rôn đưa ra là: khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sự suy giảm khả năng cạnh tranh của EU, sự khác biệt về nhận thức dân chủ giữa Anh và các nước khác trong EU, khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu.

Cựu Thủ tướng Anh T. B-le cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ gây ra “những xáo trộn về quyền lực chính trị trong EU”. Trong phát biểu tại cuộc họp của Liên minh những người đóng thuế được tổ chức ở Luân-đôn vào ngày 2-7-2015, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh L. Foóc bày tỏ sự thiếu tin tưởng rằng các mối quan hệ hiện nay với EU đáp ứng được các lợi ích quốc gia của Anh. Ông còn cho rằng cuộc sống bên ngoài EU không có gì khủng khiếp, mà Thụy Sỹ và Na Uy là hai thí dụ.

Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến, cứ 10 thành viên của Đảng Bảo thủ Anh thì có 08 người muốn đảng của họ đưa các cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời EU vào cương lĩnh tranh cử; 70% thành viên của đảng này ủng hộ việc nước Anh rời bỏ Khối. Sau vụ khủng bố tại Pa-ri và làn sóng tội phạm liên quan đến người nhập cư ở Đức, số người dân Anh ủng hộ đất nước rời khỏi EU tăng lên. Theo AFP, qua cuộc thăm dò trên mạng với hơn 1.000 người, khoảng 34% người Anh cho biết vụ khủng bố ở Pa-ri có thể khiến họ bỏ phiếu rời EU, 12% số người tuyên bố càng quyết tâm ở lại. Sau sự kiện hàng loạt phụ nữ bị quấy rối tình dục ở thành phố Cô-lô-nhơ (Đức) vào đêm giao thừa bước sang năm 2016, tỷ lệ tiếp tục thay đổi với 38% người Anh muốn rời EU so với 8% kiên quyết ở lại. Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-rôn tuyên bố sẽ tiến hành vận động để Anh ở lại EU khi nào ông có thể thương lượng một loạt cải cách nhằm trao thêm quyền tự chủ cho nước Anh.

Anh là một trong những thành viên đầu tiên, có tiềm lực kinh tế mạnh hàng đầu và ảnh hưởng lớn trong EU. Tuy nhiên, cùng với tiến trình mở rộng liên minh, kết nạp thêm nhiều thành viên mới có nền kinh tế phát triển kém hơn cũng như các vấn đề mới nảy sinh, đặc biệt là vấn đề nhập cư đã tạo ra “gánh nặng” cho nước Anh với tư cách thành viên EU. Vì thế, Anh đặt điều kiện EU phải cải cách nếu muốn nước này tiếp tục ở lại.

Một trong 4 điểm kiến nghị cải cách của Anh khó đạt sự đồng thuận nhất là yêu cầu “đóng băng” các khoản phúc lợi ngoài lương đối với công dân EU nhập cư cho đến khi họ có 4 năm làm việc tại Anh. Lý do được đưa ra là lượng người nhập cư vào nước Anh đang ở mức quá cao (330.000 người mỗi năm), gây quá tải cho hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Nếu những yêu cầu cải cách EU mà Anh đưa ra không được chấp thuận, Anh sẽ rời khỏi EU.

Anh sẽ ra sao nếu rời EU?

Các tờ báo Anh như The Economist, The Guardian, Financial times đều có bài dẫn ý kiến của những người ủng hộ và phản đối việc Anh ra khỏi EU. Những người ủng hộ việc Anh rời EU cho rằng, các quy định của Liên minh đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế Anh và việc rời bỏ EU sẽ giúp nước này khôi phục chủ quyền, cũng như giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mà Chính phủ phải chi khi làm thành viên EU. Chẳng hạn như sẽ tiết kiệm khoảng 8 tỷ ơ-rô (tương đương 13 tỷ USD) mỗi năm cho việc đóng góp vào ngân sách của Liên minh hay hoặc, giá thực phẩm của Anh có thể sẽ rẻ hơn nếu không bị ràng buộc bởi chính sách nông nghiệp chung. Nước Anh sẽ không phải lo lắng quá nhiều về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát ra khỏi các quy định tài chính châu Âu cũng như sự can thiệp chính trị của EU để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại.

Những người ủng hộ quan điểm Anh rời EU đưa ra các phương án, như Anh rời khỏi EU nhưng vẫn duy trì tự do thương mại với Liên minh, hoặc Anh có thể tham gia cùng với Na Uy trong Khu vực kinh tế châu Âu, hay Anh có thể nhận được cùng một thỏa thuận như Thụy Sĩ, tiếp tục giao thương với các láng giềng EU một cách dễ dàng.

Trong khi đó, những người phản đối phương án Anh ra khỏi EU cho rằng, Chính phủ nước họ sẽ mất ảnh hưởng đối với EU – đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Theo Ngân hàng ING của Hà Lan, việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU của Anh sẽ tiêu tốn của Luân-đôn hàng tỷ bảng, trong bối cảnh những bất ổn kinh tế đang khiến dòng vốn đầu tư đổ vào “xứ sở sương mù” suy giảm đáng kể.

Chuyên gia kinh tế J. Nai-ly nhận định, nếu để mất đà tăng trưởng trong 2 năm, Anh sẽ mất đi khoảng 20 tỷ bảng, tỷ giá đồng bảng Anh có thể sẽ trượt xuống còn 0,9 bảng/ơ-rô như đã từng xảy ra trong năm 2011 và rơi xuống dưới mức 1,4 USD/bảng.

Không chỉ có vậy, theo nhiều nhà phân tích, nếu rời EU, Anh sẽ phải chịu những tổn thất lớn hơn. Mối quan hệ giao dịch thương mại với EU – thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương từ một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU. Vai trò và vị trí của Anh sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế.

Ngày 26-1-2016, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) M. Ca-ny cảnh báo, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về tài chính nếu rời khỏi EU. Khi đó, nền kinh tế Anh sẽ khó tìm được những nguồn lực bổ sung để giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài “tháo chạy” và lãi suất duy trì ở mức cao. Phát biểu trước Ủy ban tài chính thuộc Hạ viện Anh, ông M. Ca-ny cho biết, thâm hụt tài khoản vãng lai đã giảm nhẹ trong thời gian vừa qua và đây được coi là một tin tốt lành đối với nền kinh tế Anh. Triển vọng phục hồi của nền kinh tế thuộc Eurozone có thể giúp Anh tiếp tục giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, ông M. Ca-ny cho rằng, nền tài chính Anh sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và cả nguy cơ bất ổn nếu rời khỏi EU. Luồng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển hướng, buộc chính phủ, giới doanh nghiệp… phải đi vay mượn với lãi suất cao hơn.

Còn EU sẽ chịu những tác động nào?

Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu (EUT) quy định: “Bất cứ nước thành viên nào cũng có thể quyết định rút khỏi Liên minh theo các thủ tục của hiến pháp nước đó”. Điều 50 cũng nêu rõ quốc gia thành viên phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (EC) ý định của nước này về việc rút khỏi Liên minh và việc thoả thuận về việc rút lui này sẽ được đàm phán giữa Liên minh và quốc gia đó.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên diễn ra ở Đa-vốt (Thụy Sĩ) mới đây, Thủ tướng Pháp M. Uôn đã tuyên bố một cách đầy lo ngại rằng, nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đó sẽ là một bi kịch, vì thế các thành viên EU cần làm mọi thứ để Anh và người dân Anh vẫn là một phần của Liên minh châu Âu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa tất cả các thành viên EU phải chấp thuận tất cả mọi đề nghị của Anh.

Việc nước Anh, nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, thành viên quan trọng của nhóm G7, nhóm G20, “đầu não” của Khối thịnh vượng chung gồm 54 thành viên… nếu rời EU sẽ làm sa sút nhất định vai trò, sự thống nhất, ảnh hưởng và tiếng nói của khối này trên toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh EU đang rất cần xốc lại sự đoàn kết và sức mạnh chung để giải quyết các thách thức lớn đang đặt ra cho Liên minh, như vấn đề nhập cư, cuộc khủng hoảng nợ công…

Trong khi đó, các nhà lập pháp Đức cũng đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả nếu nước Anh rời Liên minh châu Âu. Quốc hội Đức cho biết, nếu nước Anh rời EU thì điều đó sẽ đem lại thảm họa cho nền kinh tế của Khối. Theo ông G. Krích-ba-un, thành viên của đảng cầm quyền CDU (Đức), mất đi thị trường nước Anh sẽ là một thảm họa kinh tế, vì nước Anh rời khỏi EU không những sẽ làm suy yếu EU mà còn làm suy giảm vị thế của nước Anh trên thế giới. Đến cuối thế kỷ XXI, dân số châu Âu sẽ chỉ chiếm 4% dân số toàn thế giới. Vì vậy, các thành viên EU cần phải sát cánh bên nhau. Mặc dù, khẳng định tầm quan trọng của việc Anh tiếp tục là thành viên EU, song các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ phản đối đòi hỏi ký một “thỏa thuận mới” giữa Anh và EU theo yêu cầu của Thủ tướng Đ. Ca-mơ-rôn.

Việc Vương quốc Anh xem xét rút khỏi EU bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong lòng Liên minh gồm 28 thành viên và có thể đẩy EU đi đến chỗ tan rã.. “Trục” Pháp – Đức có thể sẽ lung lay, để lại một nước Đức ngày càng chiếm ưu thế vượt trội. Đối với các quốc gia miền Bắc và miền Tây châu Âu, sự “ra đi” của Anh có thể làm dịch chuyển EU về phía Nam và phía Đông, gây lo ngại cho các quốc gia phía Bắc và phía Tây, đồng thời đặt dấu chấm hết cho khả năng mở rộng để kết nạp các quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu Anh phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU và đồng ơ-rô tiếp tục chật vật thì vị thế của Anh có thể khiến các nước thành viên khác đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu.

Các quốc gia, như Thụy Điển và Hà Lan lo sợ sự thiếu vắng của một nước lớn về tự do kinh tế sẽ khiến EU hướng mạnh hơn vào bên trong và quan tâm nhiều hơn đến chủ nghĩa bảo hộ. Các chính phủ của các nước lớn lo ngại sự thiếu vắng của một thành viên lớn sẽ khiến các nước nhỏ có được tiếng nói trọng lượng hơn.

Đối với thế giới, việc một thành viên chủ chốt của EU rời khỏi Khối làm suy yếu Liên minh này chắc chắn sẽ gây hậu quả không tốt. Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu Anh rời EU. Ông P. H. Go-đơn, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu – Á cho biết, mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang phát triển tốt đẹp. Tầm quan trọng của EU trên thế giới đang gia tăng và Mỹ mong muốn Anh có vai trò to lớn trong khối. Vị thế và vai trò của Anh trong EU có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ. Anh nên cân nhắc việc thay đổi cơ cấu quan hệ với EU có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa Luân-đôn và Oa-sinh-tơn, thậm chí Anh có nguy cơ bị gạt ra ngoài các vấn đề quốc tế.

Mỹ và các siêu cường khác sẽ nhìn nhận sự rút lui của Anh như một dấu hiệu về sự chia rẽ và suy yếu của châu Âu. Sự hợp tác về quốc phòng của châu Âu có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, dù trong khuôn khổ NATO hay trong khuôn khổ EU. EU cũng sẽ phải đối mặt với một nước Anh tuy là một cường quốc suy yếu nhưng vẫn đủ mạnh để có thể tìm kiếm ảnh hưởng đối với sự phát triển của khối này.

Trước những nguy cơ có thể xảy ra đối với cả hai phía, ngày 2-2-2016, EU đã công bố một loạt kế hoạch cải cách nhằm thuyết phục Anh ở lại EU. Thông tin đưa ra sau 2 ngày đàm phán cho thấy, Thủ tướng Anh đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU về hầu hết các yêu cầu cải cách mà Luân-đôn đặt ra và các nước trong EU ủng hộ giải pháp mới cho vấn đề Anh ở lại trong Liên minh. Với kết quả đạt được, EU hy vọng người dân Anh sẽ nghiêng về sự lựa chọn phương án ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được tổ chức tại quốc gia này vào tháng 6-2016./.

Related Articles

Back to top button