Kiến thức tài chính

Nga tìm đường vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị Chính phủ Nga phải bảo đảm đưa nước này vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 xét về tổng sản phẩm quốc nội GDP theo sức mua tương đương, qua đó cho thấy kỳ vọng bước nhảy vọt về nâng tầm vị thế kinh tế Nga trên trường quốc tế.

Danh sách văn bản hướng dẫn thực hiện mục tiêu nói trên được đăng trên trang web của Điện Kremlin, sau khi ông Putin đọc Thông điệp liên bang cuối tháng 2-2024; trong đó đưa ra chiến lược tham vọng và kế hoạch chi tiết giúp Nga hướng tới cột mốc kinh tế đáng chú ý này.

Điều chỉnh tỷ trọng kinh tế

Đây là kế hoạch mang tính toàn diện, nhắm tới nhiều lĩnh vực để kinh tế tăng trưởng và đạt hiệu quả. TASS dẫn chỉ thị của Tổng thống Putin cho biết, một trong những mục tiêu chính là tăng mức tổng giá trị gia tăng trong ngành chế tạo và sản xuất lên ít nhất 40% so với năm 2022; giảm tỷ trọng của ngành nhập khẩu trong cơ cấu GDP xuống mức 17%; đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng không thuộc ngành tài nguyên và năng lượng lên tối thiểu khoảng 66%. Sự điều chỉnh tỷ trọng kinh tế nhấn mạnh sự thay đổi theo hướng nâng cao năng lực công nghiệp của Nga, vượt xa sự phụ thuộc truyền thống vào tài nguyên thiên nhiên.

Trục chiến lược này không chỉ nhằm củng cố khả năng phục hồi cỗ máy kinh tế của Nga mà còn nhằm tái xác lập vai trò quan trọng của nước này trong kinh tế toàn cầu. Bằng cách tập trung nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường xuất khẩu, Nga sẵn sàng thâm nhập các thị trường mới và khẳng định thế lực cạnh tranh linh hoạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Điểm đáng chú ý nữa là chỉ thị cũng giải quyết nhu cầu cải thiện sự ổn định tài chính trên khắp các khu vực của Nga. Mục đích giảm dần số lượng các khu vực có năng lực tài chính thấp là sự thể hiện tầm quan trọng của nền kinh tế cân bằng, mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho tất cả các vùng của đất nước. Cách tiếp cận này biểu thị động thái hướng tới giảm chênh lệch và thúc đẩy một mô hình phát triển kinh tế công bằng hơn. Với thời hạn cho báo cáo tiến độ cuộc chạy đua vào top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới được ấn định là ngày 31-3-2025, Chính phủ Nga sẽ nỗ lực không ngừng để biến tầm nhìn của Putin thành hiện thực.

Điều kiện thuận lợi sẵn có

Việc Nga muốn góp mặt vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới không hẳn là tầm nhìn quá xa vời nếu nhìn vào những tiềm năng, thế mạnh, dư địa mà nước này đang có, cũng như cách nền kinh tế bền bỉ vượt “gió ngược” trong thời gian qua. Trong 2 năm qua, kinh tế Nga vẫn đang ở trạng thái tốt hơn so với lo ngại ban đầu. Vedomosti dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) cuối năm 2023 cho thấy, Nga đứng thứ 5 trong số các nước thuộc nhóm G20 về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga tăng 3,6% so với năm 2022, cao hơn mức trung bình toàn cầu (3%), và vượt xa mức tăng tại các nước đang phát triển (1,5%). TASS dẫn tuyên bố của Tổng thống Putin vào tháng 2-2024 cho biết: “Hiện Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu xét về GDP, tính theo sức mua tương đương, và đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ và quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng cho phép Nga hy vọng và thậm chí khẳng định rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có thể tiến thêm bước nữa, trở thành một trong 4 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới”.

Tín hiệu tích cực khác cho thấy, ngành sản xuất của Nga tiếp tục đang phục hồi mạnh mẽ. Reuters dẫn số liệu S&P Global công bố ngày 1-4 cho thấy, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chủ chốt về hoạt động sản xuất, đạt trên 50 điểm. PMI của Nga trong tháng 3-2024 là 55,7 điểm, tăng so với 54,7 vào tháng 2-2024 và cao nhất kể từ tháng 8-2006. Nhu cầu nội địa tăng cao là lý do giúp ngành sản xuất hồi sinh. Nước này đã chi mạnh cho ngành sản xuất, lĩnh vực quân sự để đẩy mạnh phục vụ quân đội, qua đó giúp sản lượng công nghiệp tháng 2-2024 tăng mạnh hơn dự báo.

Tháng 3-2024, số đơn hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tiên tăng kể từ tháng 10-2023 trong bối cảnh nhu cầu của các đối tác nước ngoài tăng lên khi Nga mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới và thu hút nhiều khách hàng mới. Cùng với nhịp độ sản xuất không ngừng nâng cao, thị trường việc làm chuyển biến tích cực.

THƯ LÊ

Related Articles

Back to top button