Một kiểu lừa đảo cực kỳ tinh vi của Prudential – Prudential đã lừa khách hàng như thế nào?
Prudential đã lừa khách hàng như thế nào?
Hơn 10 năm trước, tôi được nhân viên tư vấn của Prudential tư vấn là nên mua một gói bảo hiểm, lí do được đưa ra là “nếu chẳng may ‘hai năm mươi’ thì gia đình sẽ có 1… tỷ đồng, cộng với tiền đã gửi”.
Tôi hỏi nhân viên tư vấn: “hợp đồng bao nhiêu năm?” Và được trả lời là: “sau 10 năm thì có thể không gửi và được rút”.
Nghe thế, tôi đồng ý, và cho làm hợp đồng. Còn chữ nghĩa trong hợp đồng thì quả thực bé lít nhít, dày, đọc không nhớ hết nổi.
Đến nay, tôi đã đóng 11 năm và số tiền là hơn 600 triệu. Khi tôi đề nghị chấm dứt hợp đồng, rút tiền về với lí do “đã đóng hơn 10 năm rồi”, thì nhân viên tư vấn trả lời là: “Ấy, đây là bảo hiểm trọn đời! Nghĩa là đến năm 2055, khi anh 100 tuổi thì mới được rút hết. Và nếu từ nay đến lúc đó, nếu anh “thăng” thì gia đình được… 1 tỷ đồng. Còn bây giờ anh có thể rút… từ từ!”.
Anh nhân viên tư vấn có gọi cho bộ phận kế toán hỏi: “nếu hợp đồng số xxx này chấm dứt thì được lĩnh bao nhiêu?”. Khoảng 15 giây sau, nhân viên trả lời: “hơn 300 triệu!”.
Vậy là sau 11 năm đóng tiền cho Prudential với hơn 600 triệu thì bây giờ tôi chỉ còn được nhận hơn 300 triệu.
Thực lòng tôi đã nghĩ: “Thật đúng là kẻ cướp, là lừa đảo được cấp giấy phép, sao có thể lừa người ta sống hơn 100 tuổi mới rút tiền được nhỉ?”.
Với ý nghĩ đó, tôi quyết định theo đuổi việc này và quyết làm cho ra nhẽ, không chỉ là việc lấy lại đủ số tiền đã nộp.
Khi tôi quyết tâm công khai câu chuyện của mình, chiều 1/11/2023, một nhân viên của Prudential đã gọi cho tôi và xin “ghi nhận” những thắc mắc của tôi.
Trong hành trình của mình, tôi đã gửi những thông tin cần thiết về hợp đồng lên Cục Giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài chính. Đồng thời, tôi cũng đang tham khảo ý kiến của luật sư về khả năng khởi kiện đối tượng mà tôi cho là “lừa đảo có giấy phép” ra tòa.
Mua bảo hiểm để phòng rủi ro, song lại thành nhà đầu tư trọn đời?
Tôi cũng hiểu được rất rõ là mua bảo hiểm là để phòng khi có rủi ro thì có một khoản đỡ cho con cháu, hoàn toàn không coi đây là chuyện “đầu tư tài chính”. Có chăng, tôi cũng coi đây là khoản tiền “bỏ ống” của mình.
Nhưng, trường hợp của tôi là một ví dụ cụ thể để cho thấy Prudential đã lừa dối khách hàng như thế nào?
Người thật, việc thật, hợp đồng thật, nộp tiền thật, và một cái kết thật… đáng buồn.
Trước hết, phải nói rằng hợp đồng bảo hiểm này là hợp đồng thứ 2 của tôi với Prudential. Hợp đồng trước trị giá nhỏ và đã thanh toán sòng phẳng sau 5 năm. Khi chấm dứt hợp đồng thứ nhất và năm 2012, nhân viên tư vấn bảo hiểm là anh T. đã mời tôi mua gói bảo hiểm thứ hai này.
Anh T. là người rất nhã nhặn, lịch thiệp và hoạt ngôn. Vì đã tin nhau, và cũng quý anh T nên tôi bảo: “Tôi chỉ có thể mua tối đa là 10 năm thôi”. Anh T. bảo tôi: “Thế là dài rồi. Nhưng có thể kéo dài đến hết đời…”. Tôi đã dứt khoát: “Không, chỉ 10 năm. Và hết 10 năm, tôi rút tiền ra được chứ?”. Anh T. trả lời: “Vâng, được chứ! Lúc ấy em sẽ tư vấn cho anh nên tiếp tục tham gia như thế nào?”. Tôi đã nói: “Không, lúc ấy là chấm dứt luôn”.
Việc “tư vấn” chỉ cơ bản là có như vậy. Tôi vì tin anh T. và cũng thấy gói bảo hiểm của mình không lớn lắm, hơn nữa, như tôi nói, tôi cũng coi đây là khoản tiền “bỏ ống” nên đồng ý làm hợp đồng luôn. Người ký hợp đồng là cô Khúc Thị Hoa.
Như vậy, nhân viên tư vấn bảo hiểm lúc đó đã không cho khách hàng (là tôi) biết thông tin về việc “nếu gửi 5 năm, hay 10 năm rồi muốn chấm dứt hợp đồng thì người đóng bảo hiểm sẽ lấy lại được bao nhiêu? – Đây là điều quan trọng nhất mà khách hàng cần được thông tin minh bạch”.
Họ cũng không tư vấn và ghi trong hợp đồng cụ thể, rõ ràng các điều khoản về tài chính khi tham gia hợp đồng để giúp cho khách hàng “nhìn thấy rủi ro về tài chính khi muốn chấm dứt hợp đồng nửa chừng”. Nhân viên tư vấn bảo hiểm cũng đã không hề phân tích cho khách biết những hậu quả xảy ra khi muốn chấm dứt hợp đồng.
Khi tôi trở thành nạn nhân và đọc những thông tin liên quan trên báo chí, các phương tiện truyền thông, tôi mới “vỡ lẽ” về kiểu lừa dối, bịp bợm này cũng xảy ra ở một số công ty bảo hiểm khác – đó chính là “nghệ thuật” dụ dỗ khách hàng vào bẫy.