Mật ong “đắng” từ núi Ngọc Linh
Ít ai biết ở dãy núi Ngọc Linh ngoài “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh còn có loài ong chuyên kiếm phấn hoa sâm Ngọc Linh. Thứ mật ong đặc biệt được cô đọng từ phấn hoa sâm Ngọc Linh trong bầu không khí mát lạnh cho vị ngọt kèm chút đăng đắng. Không phải có tiền là mua được, mà để được thưởng thức phải đặt trước cả tháng trời.
“Bạn” với rừng
Khó câu từ nào mô tả được cảnh đẹp của Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), một xã nằm gọn dưới thung lũng núi Ngọc Linh. Nơi đây địa hình cách trở, tách biệt khói bụi công nghiệp nên khí hậu trong lành, sạch sẽ. Cộng đồng người Xơ Đăng hiền hòa, thân thiện đã nhiều thế hệ ở đây còn tạo nên bức tranh tuyệt đẹp- cánh đồng lúa bậc thang vút tầm mắt.
Còn gì tuyệt hơn khi đứng ở con đường lưng chùng núi mà nhìn xuống gói gọn cả xã Măng Ri trong tầm mắt. Mọi gánh nặng cuộc sống cũng sẽ tan biến khi về nơi đây được chứng kiến thiên nhiên hùng vĩ, nói chuyện với người Xơ Đăng nồng hậu, chất phác.
Ông A Chung lấy sáp tổ ong mật. Ảnh: T.L
Vùng đất nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Và được xem như “cánh cửa” lên đỉnh núi Ngọc Linh với các loại dược liệu, đặc biệt nhất là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Vùng đất này có nguồn nước vô tận chảy ra từ núi Ngọc Linh nên xa xưa người Xơ Đăng đã cày xới, phát triển diện tích ruộng bậc thang. Tuy là “vựa lúa” lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông, nhưng nguồn lương thực chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình, chưa giúp người dân mua sắm tivi, tủ lạnh. Nhưng từ khi sâm Ngọc Linh được biết đến, cuộc sống của người dân vùng hẻo lánh này dần ấm no hơn. Trong khi phải đợi nhiều năm mới bán được củ sâm Ngọc Linh, người dân sẽ ươm và bán giống sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu, đặc biệt là thu hoạch mật ong “đắng” thêm thu nhập cho gia đình.
Tôi được Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông A Trung dẫn đến gặp ông A Chung (1981, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri), một người lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười.
Vừa gặp khách, ông Chung vui vẻ khoe những cây thông vừa trồng thêm vào khoảnh rừng bị trống. Bởi với ông Chung rừng như mái nhà của mình, có rừng là có sâm Ngọc Linh. Niềm vui của ông đơn giản là mỗi sáng lên ngắm sâm Ngọc Linh đâm chồi, nảy lộc. Ông khoe gia đình có vài sào sâm Ngọc Linh đã gần chục năm. Ông bộc bạch: “Mình không bán sâm Ngọc Linh đâu. Cây giờ nó đang tuổi nở hoa, kết quả mà. Có hạt mình lại ươm rồi bán giống với giá khoảng 300 nghìn một cây. Mùa này mình có mật ong rừng bán cũng đủ tiền nuôi gia đình và 3 đứa con ăn học rồi”.
Ông A Chung giãi bày, khi lấy mật ong người dân nơi đây sẽ không bao giờ để ảnh hưởng đến bầy ong. Ông quả quyết, cộng đồng Xơ Đăng ý thức được sự quan trọng khi nhờ ong phấn hoa sâm Ngọc Linh được rải đi khắp nơi, kết quả nhiều hơn. Cũng bởi vậy mà người Xơ Đăng không bao giờ lấy hết hoặc phá bất kỳ tổ ong mật nào. Để không làm ong “giận” họ còn che mưa cho các tổ ong, mỗi lần lấy họ cũng chỉ cắt một đến vài sáp nhỏ.
Sau hai tiếng đồng hồ cuốc bộ men theo sườn núi, tổ ong đầu tiên của ông A Chung đã hiện ra. Vừa nhẹ nhàng gỡ miếng gỗ bịt tổ ong, ông Chung vừa nói “bọn mày cho tao xin ít mật nha”. Các miếng sáp đầy ắp mật vàng ươm lộ ra, bầy ong con nào con đấy cũng bóng mượt với cặp cánh óng ánh nhiều màu. Khẽ cạy miếng sáp, ông Chung vừa quay sang giải thích “Vì lấy phấn hoa sâm Ngọc Linh nên mật ở đây có vị hơi đăng đắng, ngọt thanh. Vị đắng nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào đầu hay cuối vụ nữa ”.
Kinh nghiệm gia truyền
Cánh rừng nguyên sinh Ngọc Linh rộng mênh mông, nằm trên địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Dưới gốc cây cổ thụ mát lạnh, ông A Chung chia sẻ, từ xưa, ông cha đi rừng đã gặp những đàn ong làm tổ trong thân hoặc gốc cây mục. Mỗi người sẽ có cách đánh dấu riêng để giữ tổ ong. “Người Xơ Đăng có quy định là người đánh dấu đầu tiên sẽ là chủ sở hữu, ai đi qua thấy dấu đó sẽ không lấy trộm mật ong. Đây là điều mà cha mẹ mình đã dạy từ nhỏ. Nếu không phải của mình mà lấy trộm thì đất trời, rừng núi sẽ thấy mà. Đàn ông Xơ Đăng không được làm như vậy”, ông A Chung nói.
Ông Chung có gần 20 tổ ong, năm nay ong cho mật hơi ít nên ông chỉ lấy được hơn chục lít. Mật lấy xuống là có người tới lấy ngay bởi đầu năm đã có người dặn trước rồi. Ông kinh nghiệm, đàn ong thường làm tổ ở cây rỗng thân, vùng có nhiều hoa sâm Ngọc Linh để tiện cho việc đi lấy phấn hoa.
Sau khi lấy mật ong xong, người Xơ Đăng sẽ dùng thanh gỗ bịt lỗ hổng lại bằng đất sét. Ảnh: TL
Cách “dụ” ong của người Xơ Đăng cũng rất đặc biệt, họ không làm như các nơi khác là bắt ong chúa rồi bỏ vào “lồng” để giữ bầy ong. Mà sẽ chọn các hốc cây có sẵn trong tự nhiên, sau đó dọn sạch từ trong ra ngoài. Để có một tổ ong hoàn thiện, người Xơ Đăng sẽ chọn một khúc gỗ khớp với lỗ hốc cây, sau đó lấy đất sét đắp lại, chỉ chừa lại vài lỗ nhỏ bằng ngón tay đủ cho ong chui qua.
Cũng nhờ có mật ong bán mà cuộc sống của gia đình anh A Dịp (31 tuổi) có đồng ra, đồng vào.
Anh Dịp có 15 tổ ong rải rác trên cánh rừng Ngọc Linh. Anh nhớ như in lời bố dạy cách làm tổ cho ong mật; bầy ong không thích những cây có nhựa, nơi quá ẩm ướt. Mà chúng thích nơi làm tổ gần bờ suối nhưng phải khô ráo và quanh đó có nhiều hoa rừng. Miệng tổ ngược theo hướng suối chảy, mà cũng không được ở trên quá cao vì gió lớn ong cũng không vào.
Nắm được đặc tính này, khi anh Dịp chọn hốc cây có sẵn, rồi làm dọn sạch làm tổ chỉ vài tuần sau là ong tới làm tổ. Anh vui vẻ nói: “Cảm giác khi đi thăm hốc cây mình dọn mà có ong tới làm tổ nó thích lắm. Mình còn phải nói bọn nó yên tâm, sẽ không làm hại chúng, mà chỉ xin một ít mật ong thôi. Vậy nó mới ở lâu cho mình mật. Năm nay mình lấy được 14 lít thôi, để 5 lít cho ông già uống tới mùa sau, còn lại bán lấy tiền”.
TIỀN LÊ