Kiến thức dược liệu

Sáp ong khoái – báu vật truyền đời của người Dao Tiền ở Hoài Khao

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM “BÁU VẬT” NÚI RỪNG

Xóm Hoài Khao nằm tách biệt dưới chân núi Phja Oắc với độ cao trên 1.000 m, thuộc quần thể Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén. Với 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao Tiền sinh sống, vùng đất này là quê hương của làn điệu Páo dung quyến rũ, kỹ thuật nấu sáp ong, lễ cấp sắc độc đáo… Đến đây, chúng tôi được người dân bản địa kể những câu chuyện huyền bí về tổ ong khoái, báu vật đã có tuổi đời trăm năm được bà con vô cùng trân quý.

Ở xóm Hoài Khao có 2 điểm ong khoái về làm tổ là Chán Vềnh và Tà Lạt. Như một quy luật đã định sẵn, cứ lập xuân ong bay về làm tổ, lập thu ong lại bay đi về hướng nào không ai hay biết. Mọi người cùng nhau đoàn kết bảo vệ hang ong, kiên quyết không cho người lạ tiếp cận, bởi nếu bị lấy mật thì năm sau đàn ong sẽ không quay trở lại nữa. Trước khi đi thu sáp ong, bà con nhờ thầy mo chọn ngày lành tháng tốt, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng từ cây trèo, dây buộc… Cả xóm chia thành các tổ thay phiên nhau lấy sáp, lấy củi, nấu cơm, nấu sáp.

Để chuẩn bị cho chuyến đi rừng, chúng tôi thức giấc từ 6 giờ sáng. Cơn mưa lớn đêm hôm trước khiến mọi người khá lo lắng vì biết rằng, hành trình tìm đường đến hang ong lần này không hề dễ dàng. Quãng đường chỉ độ 3 km nhưng cơ man nào là vách núi, rừng thẳm, cây mục. Đường quanh co trơn trượt, anh chị em trong đoàn phải vịn dây leo rừng mà đi vì sợ sảy chân trượt xuống vực sâu, ấy là chưa kể nỗi sợ bị vắt cắn.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ băng rừng, vượt núi, hang ong hiện ra sừng sững trước mắt chúng tôi trong một niềm hân hoan khó tả. Từ mặt đất nhìn lên vòm hang cao khoảng hơn 30 mét, ong khoái bay đi để lại mấy chục tổ sáp ong hình elip đủ mọi kích cỡ, nhìn như những nhũ đá màu vàng nâu rủ xuống. Có không ít tổ ong khổng lồ, đường kính lên tới 1,5 m, cao ngang thân người.

Trước khi tiến hành chọc tổ ong khoái, thầy mo phải làm lễ cúng thần sông, thần núi, thần ong. Đi cùng với thầy mo là một người giúp việc, mang đồ và bày lễ cúng. Thầy mo Chu Khánh Đoan, xóm Hoài Khao cho biết: Mâm lễ gồm có 3 con gà, 6 nắm cơm tẻ, rượu trắng, hương, giấy bản. Đây là nghi lễ truyền thống đã có từ xa xưa, mang ý nghĩa cầu mong các vị thần phù hộ việc lấy sáp ong thuận lợi, năm sau đàn ong tiếp tục quay trở về đem đến nhiều điều tốt lành, may mắn. Thủ tục cúng được tiến hành đồng thời từ lúc bắt đầu chọc tổ ong cho đến khi công việc lấy sáp kết thúc.

Muốn lấy được sáp ong, bà con phải đi chặt những cây mai, cây vầu dài nhất, buộc đấu nối theo những thân cây to gần sát vòm hang để tạo thành chiếc thang, sau đó mới có thể trèo lên trên cao, dùng sào chọc xác tổ ong rơi xuống.

KỸ THUẬT NẤU SÁP ONG – KẾT TINH GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

Ở nhà văn hoá xóm, tổ lấy củi, nấu cơm tất bật không kém. Mỗi người một việc, ai nấy đều tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chứng kiến niềm hân hoan, phấn khởi của bà con, chúng tôi cảm nhận rằng, dường như đây không chỉ là dịp thu hoạch sáp ong thông thường, mà còn là ngày hội lớn gắn kết tình làng nghĩa xóm, phát huy và lưu giữ những di sản văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Công việc nấu sáp ong không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi tinh thần nhẫn nại, đôi tay khéo léo và giàu kinh nghiệm. Sáp ong thu về được đổ ra tấm bạt lớn, các bà, các mẹ xúm lại bẻ sáp thành từng mảnh nhỏ rồi bỏ vào chiếc chảo trâu, thêm nước, đun nóng trên bếp lửa bập bùng cháy rực. Gặp nước sôi, sáp ong tan chảy, nhưng vẫn còn sáp ong sót lại trong những vỉa tổ ong. Vì vậy, bà con đã chuẩn bị sẵn chiếc giỏ đan bằng cây mai, xúc những vỉa tổ ong đang đun trong chảo chuyển sang chảo khác ở ngoài, rồi dùng hai thanh tre kẹp để ép nước sáp ong chảy xuống chảo.

Tiếp theo đổ từ từ nước lạnh vào chảo, sáp ong gặp nước lạnh, kết tinh dần tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước. Bà con vớt sáp ong nguyên chất, bóp kiệt nước rồi cho vào bao tải. Công đoạn cuối cùng là cô sáp ong thành khối nguyên chất. Lúc này, những vỉa sáp ong đã vớt lên một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất mới được cho vào chảo cô lại, đảm bảo độ tinh khiết nhất.

Kỹ thuật đun lửa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sáp ong, do vậy phải biết điều chỉnh lửa phù hợp, không để lửa cháy quá to hoặc quá nhỏ. Khối sáp ong thành phẩm cuối cùng phải mịn, có màu vàng óng, cô đặc, có thể bảo quản nhiều năm mà không bị hư hỏng. Sáp ong thành khối sử dụng in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt.

Tất cả phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong. Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn… rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Đun sáp ong trên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Tuỳ theo mẫu họa tiết định sẵn, chị em dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải. Chờ sáp ong khô thì đem tấm vải đi nhuộm chàm nhiều lần rồi phơi.

Tiếp theo nhúng tấm vải chàm vào nước sôi, sáp ong tan ra, các hoa văn đã in hiện ra rõ nét trên nền chàm. Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền thực sự là tác phẩm nghệ thuật với nhiều hoa văn tinh tế, giàu tính thẩm mỹ như hình cỏ cây, hoa lá, sóng nước, muông thú…

Có thể nói, hang ong khoái và kỹ thuật in sáp ong chính là hồn cốt trong đời sống, tín ngưỡng của cộng đồng người Dao Tiền ở Hoài Khao. Những giá trị văn hoá quý báu ấy vẫn luôn trường tồn, vẹn nguyên dẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến chuyển của thời gian, không gian.

Related Articles

Back to top button