Hàng nghìn lít mật ong giả bị bắt quả tang, làm thế nào để nhận biết chất lượng?
Mật ong được mệnh danh là một trong những loại thực phẩm vàng của tự nhiên với nhiều thành phần dinh dưỡng không chỉ có tác dụng tích cực với sức khoẻ mà còn được chị em ưa chuộng sử dụng trong quá trình làm đẹp.
Mặc dù vậy, trên thị trường xuất hiện không ít những loại mật ong bị làm giả bởi nhiều phương pháp khác nhau.
Gần đây, đoạn phóng sự của VTV về việc “Bắt quả tang cơ sở sản xuất hơn 2.000 lít mật ong giả từ đường” nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo những gì trong phóng sự ghi lại, có thể thấy chủ cơ sở chỉ với vài bước đơn giản đã hô biến những nguyên liệu như đường trắng, mạch nha… thành chai mật ong được gắn mác “tự nhiên” và bán với giá cao.
Những phương pháp làm mật ong giả
1. Đường cát và phèn chua
Đây là cách làm mật ong giả phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Với những nguyên liệu như đường cát, phèn chua và các chất phụ gia (chất tạo mùi, tạo màu), những người làm mật ong giả chỉ cần quấy đều đun lên là có thể thu được một hỗn hợp màu vàng nhạt, sánh và óng như mật ong thật.
2. Mạch nha và siro
Đây cũng là một trong những cách thường được dùng để tạo ra mật ong giả. Mật ong giả được làm theo cách này rất giống với mật ong thật và nếu không có kinh nghiệm, người mua rất dễ bị lừa.
3. Mật ong giả do ong ăn đường tạo thành
Loại mật này không phải do ong lấy mật từ tự nhiên tạo thành mà do được nuôi bằng đường để đẩy nhanh quá trình sản xuất mật. Dù không nguy hại nhiều như mật ong giả làm từ hỗn hợp nhưng chúng không hề đem lại giá trị dinh dưỡng và gây nguy hiểm cho những người cao huyết áp, tiểu đường… nếu sử dụng trong thời gian dài.
Mật ong có kết tinh không?
Mật ong là một thực phẩm dinh dưỡng từ tự nhiên với hơn180 thành phần phức tạp như carbohydrate, hợp chất axit, vitamin, khoáng chất, protein (enzyme sinh học) và các hợp chất tạo hương. Các thành phần này cũng khiến cho mật ong thật có một thuộc tính độc đáo là kết tinh.
Sau khi mật ong mới ra khỏi tổ ong thường là chất lỏng. Nhưng dưới tác động của môi trường thay đổi, hầu hết mật ong sẽ dần dần kết tinh. Mức độ kết tinh nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm của môi trường lưu trữ.
Nhiều người tiêu dùng không biết sẽ nghĩ rằng kết tinh là dấu hiệu của mật ong giả. Trên thực tế, mật ong được làm từ đường không dễ kết tinh, mật ong dễ kết tinh là mật ong tự nhiên.
Tác hại của mật ong giả
Mật ong giả làm bằng đường trắng, phèn hay các chất phụ gia khác có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, nhất là phèn chua. Khi tiêu thụ quá nhiều phèn có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ các khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, có thể gây ra các triệu chứng như loãng xương, thiếu máu.
Thường xuyên ăn các chế phẩm chứa phèn có thể khiến các ion nhôm tích tụ ở gan, não, thận và cơ quan lách. Nếu tích tụ quá nhiều trong não có thể phá huỷ hệ thần kinh, giảm sút trí nhớ và nhiều bệnh khác. Ngoài ra còn có thể gây ra vô sinh, chậm phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài ra, trong mật ong giả thường chứa lượng đường lớn nên khi sử dụng nhiều sẽ gây ra nhiều bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, béo phì….
Cách phân biệt mật ong giả
1. Xác định mùi thơm, hương vị:
Mật ong thật có hương thơm nhạt của cỏ cây. Mật ong giả lại có mùi thơm hoặc đường trái cây rất nồng.
Cùng với đó, mật ong thật có vị ngọt, chua hơi nhẹ, và tan nhanh trong miệng. Sau khi khuấy lên rất mềm mịn, có độ trong và óng. Còn mật ong giả sẽ có cảm giác hơi cứng, thậm chí có vị đắng và khi nuốt sẽ có cảm giác vướng ở cổ.
2. Kiểm tra bằng dây sắt nung
Bạn có thể sử dụng dây sắt nung nóng nhúng vào mật ong. Nếu mật ong tạo ra tiếng xì xèo và có bọt khí nổi lên thì đó là mật ong giả do bị pha loãng với nước, sau khi kéo ra có thể dính tạp chất bên trên mặt dây. Còn mật ong nguyên chất sau khi sợi dây sắt kéo ra sẽ mịn và không dính tạp chất.
3. Kiểm tra bằng đũa
Dùng đũa kéo lên một sợi mật ong theo chiều thẳng đứng. Nếu mật ong thật sẽ sánh mịn, chảy chậm, đặc dính và khó đứt đoạn.
Ngoài ra, có thể dùng đũa kéo mật ong rồi nhỏ từng giọt vào cốc nước sạch. Nếu giọt mật ong không bị tan mà lắng xuống đáy là mật ong thật. Mật ong giả sẽ tan nhanh chóng.
4. Kiểm tra bằng giấy
Nhỏ mật ong lên giấy hoặc vải có độ thấm hút tốt. Mật ong nguyên chất sẽ rất khó thấm vào giấy và ngược lại tốc độ thấm càng nhanh càng được pha lẫn nhiều nước hoặc nước đường, siro.
5. Kiểm tra bằng các loại dung dịch
Cho mật ong vào cốc, đun cách thuỷ, đợi nguội rồi nhỏ vài giọt iot rồi lắc đều. Nếu dung dịch chuyển màu lam, đỏ, tím thì trong mật ong có thể đã được trộn với những chất phụ gia khác.
Giấm cũng có thể là biện pháp phân biệt mật ong. Trộn mật ong cùng vài giọt giấm tinh chất. Nếu sủi bọt thì có thể mật ong đã bị pha chế.
6. Kiểm tra qua kết tinh trong mật
Mật ong giả không dễ bị kết tinh nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể xảy ra hiện tượng kết tủa lắng đọng dưới đáy chai. Kết tinh của mật ong giả và thật cũng rất dễ phân biệt. Mật ong thật dù kết tinh nhưng vẫn rất mịn, mềm. Mật ong giả sẽ có cảm giác sạn khi dùng tay cảm nhận.