1 quả bưởi bao nhiêu calo? Ăn bưởi có giảm cân không và lưu ý khi ăn
Bưởi là loại quả ngon và dễ mua mà rất nhiều người ưa thích. Vậy bạn đã biết bưởi bao nhiêu calo chưa? Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
1Một quả bưởi bao nhiêu calo?
Bưởi là loại quả có chỉ số đường huyết thấp, ít calo. Trong 100g bưởi chứa:
- Năng lượng: 30 kcal.
- Protein: 0,2g.
- Carbs: 7,3g.
- Chất béo: 0g.
- Chất xơ: 0,7g.
- Vitamin C: 95mg.
Bưởi rất ít calo
2Thành phần dinh dưỡng trong bưởi
Thành phần dinh dưỡng trong bưởi rất phong phú. Hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa và vitamin dồi dào trong bưởi là nguồn dưỡng chất quý mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Bưởi chứa nguồn dưỡng chất phong phú
3Ăn bưởi có tác dụng gì?
Hỗ trợ chữa lành vết thương
Bưởi là nguồn cung cấp vitamin C rất tốt cho sức khỏe tổng thể. Vitamin C cần thiết cho việc chữa lành vết thương trong cơ thể. Các nghiên cứu trên động vật và con người đã chỉ ra rằng việc sửa chữa mô và vết thương diễn ra nhanh hơn khi bổ sung đầy đủ vitamin C.[1]
Ăn bưởi hỗ trợ chữa lành vết thương
Bảo vệ thị lực
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin A, vitamin C và các chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm 25% nguy cơ phát triển tình trạng thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD).[2]
Trong bưởi chứa cả vitamin C và beta carotene – tiền vitamin A rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe thị lực.
Bưởi chứa các vitamin giúp bảo vệ thị lực
Ngăn ngừa ung thư
Bưởi hồng chứa chất chống oxy hóa lycopene. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy chế độ ăn giàu lycopene có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.[3]
Ngoài ra vitamin C trong bưởi cũng được cho rằng có ích trong việc hỗ trợ phòng chống bệnh ung thư.
Một số chất dinh dưỡng trong bưởi giúp hỗ trợ phòng chống ung thư
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Hàm lượng kali và các chất chống oxy hóa cao trong bưởi có tác dụng hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn. Bưởi còn chứa nhiều chất xơ hòa tan pectin, loại chất xơ này rất hữu ích để loại bỏ cholesterol qua ruột.
Ăn bưởi hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Giảm viêm
Hàm lượng cao vitamin C và chất chống oxy hóa tự nhiên trong bưởi có ích cho việc tăng cường sức khỏe miễn dịch, giúp giảm viêm và chống nhiễm trùng.
Bưởi còn chứa flavanone, là một phân lớp của flavonoid. Flavonoid đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, chống khối máu đông, điều trị đái tháo đường, chống ung thư và bảo vệ hệ thần kinh.
Bưởi chứa dưỡng chất giúp giảm viêm
4Ăn bưởi có béo không?
Bưởi chứa chất chống oxy hóa chuyên biệt naringenin. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng naringenin làm cho gan đốt cháy chất béo thay vì lưu trữ nó, giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh. Vì vậy, câu trả lời là ăn bưởi một cách hợp lý không béo và tăng cân.
Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào cũng không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Việc ăn thừa năng lượng trong thời gian dài cũng khiến bạn tăng cân không mong muốn.
Ăn bưởi không béo
5Ăn bưởi có giảm cân không?
Bưởi giúp ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và ức chế cảm giác thèm ăn. Từ đó, bạn sẽ không tiêu thụ quá nhiều thực phẩm khác dẫn đến dư thừa năng lượng, hỗ trợ cho quá trình giảm cân của bạn.
Ăn bưởi hỗ trợ giảm cân
6Cách ăn bưởi giảm cân
Bạn có thể thêm bưởi vào món salad cùng cùng với các thực phẩm lành mạnh khác để có một bữa ăn nhẹ vừa ngon miệng lại no lâu, giúp ích cho quá trình giảm cân.
Ăn bưởi thay cho các loại hoa quả ngọt có chỉ số đường huyết cao khác cũng góp phần làm giảm lượng đường bạn tiêu thụ mỗi ngày.
Thêm bưởi vào chế độ ăn lành mạnh để giảm cân
7Ăn nhiều bưởi có tốt không?
Gây tình trạng ợ chua, ợ nóng
Bưởi có hàm lượng axit citric cao, một hợp chất tự nhiên mang lại vị chua cho trái cây họ cam quýt. Do vậy, nó có thể gây ra tình trạng ợ chua hoặc làm cho chứng ợ nóng trở nên tồi tệ hơn.
Nếu ăn quá nhiều bưởi, bạn có thể bị nóng rát cổ họng và ngực, có vị chua hoặc đắng trong miệng và các triệu chứng ợ nóng khác.
Ăn nhiều bưởi có thể gây tình trạng ợ chua, ợ nóng
Gây các vấn đề về tiêu hóa
Những người mắc hội chứng ruột kích thích cũng nên hạn chế ăn loại quả này vì có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa như: đầy hơi, đau dạ dày hoặc đi ngoài,…
Người mắc hội chứng ruột kích thích không nên ăn bưởi
Tương tác với nhiều loại thuốc
Một bài báo được đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada nhấn mạnh rằng bưởi có thể tương tác với hơn 85 loại thuốc và 43 trong số này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. [4]
Các loại thuốc có khả năng tương tác với bưởi bao gồm: thuốc cao huyết áp, statin (thuốc giảm cholesterol), một số loại thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc giảm ho dextromethorphan, thuốc chống đông máu, các loại thuốc chống lo âu như buspirone, corticosteroid,…
Ăn bưởi cùng với các loại thuốc này có thể khiến cơ thể chuyển hóa thuốc một cách bất thường. Nếu bạn đang phải dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể ăn bưởi hoặc bất cứ sản phẩm nào chứa bưởi được không để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Bưởi tương tác với rất nhiều loại thuốc
8Một số lưu ý khi ăn bưởi
Cách bảo quản bưởi
Cách bảo quản bưởi rất đơn giản. Bạn chỉ cần để bưởi ở nơi khô ráo, thoáng mát trong nhà là bưởi đã có thể để được rất lâu. Bưởi đã bóc vỏ thì nên được bọc kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Dù bưởi là loại quả không ăn vỏ, bạn vẫn nên rửa sạch bưởi trước khi gọt vỏ vì nó có thể chứa vi khuẩn và tiếp xúc với phần múi bưởi trong quá trình bạn gọt và bóc vỏ bưởi.
Bưởi rất dễ bảo quản
Không ăn bưởi khi đói
Bưởi có chất acid citric cao. Bạn nên tránh ăn bưởi khi bụng đói để ngăn ngừa việc acid có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Không nên ăn bưởi khi đói
Không ăn bưởi sau khi uống rượu, hút thuốc
Trong nước bưởi có chứa chất Pyranocoumarin làm tăng cường chuyển hoá cytochromes P450 (men ruột) có thể gây tăng độc tính của thuốc lá, nicotin và ethanol, gây hại cho sức khỏe.
Tác hại này không dễ dàng thấy ngay mà sẽ diễn ra từ từ. Vì vậy, sau khi hút thuốc lá, uống rượu, bạn nên chờ ít nhất 48 tiếng sau hãy ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi.
Không ăn bưởi sau khi uống rượu, hút thuốc
Những người tỳ vị hư nhược, tiêu chảy không nên ăn nhiều bưởi
Bưởi có tính lạnh, có thể ăn để hạ nhiệt. Tuy nhiên, đối với những người cơ thể đang suy yếu, tỳ vị hư nhược thì không nên ăn nhiều vì có thể gây ra triệu chứng đau bụng và tiêu chảy.
Người tỳ vị hư nhược không nên ăn nhiều bưởi
Người bị đau dạ dày nên ăn hạn chế
Người bị đau dạ dày nên hạn chế ăn bưởi vì vị chua sẽ kích thích dạ dày tiết dịch axit, có thể gây tổn hại niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành hơn.
Một số trường hợp nên hạn chế ăn bưởi
Trên đây là những thông tin dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của quả bưởi. Nếu thấy bài viết hữu ích, bạn hãy lưu lại và chia sẻ cho bạn bè cùng biết nhé!
Nguồn: Verywellfit, Livestrong, Soyte.namdinh