Kiến thức dược liệu

Trị ho đờm bằng lá trầu không: Kinh nghiệm dân gian an toàn hiệu quả

Lá trầu không chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn nên có thể ức chế một số vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp trên. Cũng vì thế là cách trị ho đờm bằng lá trầu không đã được áp dụng từ xưa đến nay như một bài thuốc trị ho tại nhà lành tính. Cách trị ho đờm này có hiệu quả không và áp dụng thế nào? Trong bài viết này Long Châu sẽ cùng bạn làm rõ.

Tại sao có thể trị ho đờm bằng lá trầu không?

Trầu không là loài cây thân thuộc với cuộc sống người Việt từ xưa đến nay. Không chỉ gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc, dân gian còn dùng trầu không để chữa bệnh. Trong Đông y, lá trầu không có tính ấm, vị cay, có tác dụng sát khuẩn, tiêu đờm, tiêu viêm, giải độc.

Y học hiện đại cũng nghiên cứu và ứng dụng tinh chất trầu không vào sản xuất các loại mỹ phẩm thiên nhiên và thuốc chữa bệnh. Các nhà khoa học tìm thấy một lượng tinh dầu lớn chứa các hoạt chất như:

  • Cadinen, chavicol, và betel-phenol có tác dụng như các chất kháng viêm tự nhiên. Các hoạt chất này có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, tiêu viêm, ức chế nhiều loại vi khuẩn, virus. Chúng cũng có tác dụng làm dịu cảm giác ngứa rát tại vị trí viêm nhiễm.
  • Eugenol, Cineol… là những hoạt chất tạo nên mùi thơm cay đặc trưng của lá trầu không và cũng là thành phần chính mang đến công dụng chữa bệnh.
  • Các thành phần khác như: niacin, tanin, carbohydrate, carotene, vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, nhanh lành bệnh.

Lá trầu không được dùng để điều trị bệnh đường hô hấp trên với công dụng:

  • Làm ấm cổ họng, giúp giảm ho, giảm cảm giác ngứa rát và giúp họng dễ chịu hơn.
  • Làm giảm sưng và viêm, giúp các vết thương ở vùng họng viêm nhiễm nhanh lành hơn.
  • Nâng cao miễn dịch, giúp nhanh hết ho đờm.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn gây ho đờm.

Cách trị ho đờm bằng lá trầu không

Muốn trị ho đờm bằng lá trầu không, bạn có thể áp dụng những cách như:

Trị ho đờm bằng lá trầu không và mật ong

Mật ong cũng là một trong những nguyên liệu tự nhiên có tác dụng trị ho hiệu quả. Các carbohydrate trong mật ong có thể giảm viêm, giảm sưng, giảm đau rát do viêm họng và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương ở vùng họng.

Các loại vitamin và chất chống oxy hóa có trong mật ong như: Catalase, chrysin, pinobanksin, pinocembrin, vitamin C có tác dụng giảm ho khan, ho do viêm họng. Các thành phần này cũng có tác dụng nâng cao đề kháng, giúp nhanh lành bệnh.

Mật ong kết hợp lá trầu không có thể tạo ra một bài thuốc dân gian trị ho, long đờm hiệu quả. Vị ngọt của mật ong có thể trung hòa vị cay nồng của lá trầu không. Vậy để trị ho đờm bằng lá trầu không và mật ong như thế nào?

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 5 lá trầu không già còn tươi mới.
  • 3 thìa mật ong nguyên chất.
  • 200ml nước đun sôi.

Trị ho đờm bằng lá trầu không 2 Cách trị ho đờm này không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi

Cách thực hiện:

  • Lá trầu không mang rửa sạch, ngâm cùng nước muối khoảng 10 phút để khử khuẩn.
  • Thái nhỏ lá trầu rồi cho vào cối giã nát.
  • Ngâm lá trầu đã giã nát vào nước sôi khoảng 15 phút.
  • Vắt kiệt bã lá trầu và lọc lấy phần nước.
  • Cho mật ong nguyên chất vào nước lá trầu không rồi khuấy đều.
  • Uống hỗn hợp nước lá trầu và mật ong mỗi ngày 2 lần, sau bữa ăn khoảng 30 phút.

Duy trì thực hiện cách trị ho đờm bằng lá trầu không và mật ong trong 1 tuần đến 10 ngày sẽ giảm ho đờm rõ rệt.

Trị ho đờm bằng lá trầu không và gừng

Gừng có vị cay, tính ấm, từ lâu đã được ứng dụng trong các bài thuốc trị ho đờm. Lý do gừng tươi được chọn để kết hợp với lá trầu không làm thành một bài thuốc dân gian trị ho đờm là:

  • Tinh chất gừng đã có thể ức chế các loại vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng miệng, dẫn đến ho đờm như: Streptococcus mutans, Candida albicans, Enterococcus faecalis, Streptococcus pyogenes
  • Gừng có thể ngăn chặn các protein gây viêm và gây đau rát họng do viêm. Nhờ thế làm giảm hẳn ho do viêm họng.
  • Tinh dầu gừng có thể kích thích hệ miễn dịch giúp giảm nhanh triệu chứng viêm đau họng và giúp họng nhanh chóng phục hồi.
  • Gừng có vị cay, tính ấm nên giúp làm ấm cơ thể, làm ấm họng nên giảm ho do lạnh.
  • Ngoài ra, củ gừng tươi còn có tác dụng giảm đau, tiêu đờm, tiêu viêm, hạ sốt, chữa cảm lạnh, bổ phế.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 5 lá trầu không tươi, sạch tốt nhất là lá trầu mới hái.
  • 1 củ gừng tươi.
  • 200ml nước sôi.

Cách thực hiện:

  • Lá trầu không tươi mang rửa sạch, ngâm nước muối.
  • Để lá trầu ráo nước rồi giã nát.
  • Gừng rửa sạch, không cần cạo vỏ, giã nát.
  • Ngâm lá trầu và gừng đã giã nát vào 200ml nước sôi ngâm trong 20 phút.
  • Vắt kiệt bã, lọc lấy nước và uống 2 lần trong ngày. Mỗi lần uống sau bữa ăn 30 phút. Nếu thấy khó uống, bạn có thể hòa thêm vài thìa mật ong.

Trị ho đờm bằng lá trầu không và hành tăm (củ nén)

Hành tăm có vị cay, tính ấm có tác dụng khử phong, tán hàn, làm ấm cơ thể. Một số hoạt chất trong hành tăm còn có tác dụng khử khuẩn, kháng viêm. Nhờ đó hành tăm làm tăng hiệu quả của bài thuốc trị ho đờm bằng lá trầu không. Không chỉ giảm ho đờm, bài thuốc này còn làm giảm ngứa rát cổ, giảm triệu chứng ho kèm sốt và các triệu chứng khác.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 5 lá trầu không tươi mới.
  • 3 – 4 củ hành tăm.
  • 200ml nước sôi.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch lá trầu, ngâm trong nước muối khoảng 10 phút.
  • Củ hành tăm loại bỏ vỏ, rửa sạch.
  • Hai nguyên liệu để ráo nước rồi mang giã nát cùng nhau.
  • Ngâm lá trầu và hành tăm đã giã vào nước sôi 20 phút.
  • Lọc bỏ bã, chỉ dùng nước để uống trong ngày. Mỗi ngày uống 2 lần sau bữa ăn 30 phút.

Lưu ý khi trị ho đờm bằng lá trầu không

Một số lưu ý cho những ai muốn áp dụng cách trị ho đờm này như sau:

  • Bài thuốc trị ho đờm bằng lá trầu không sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi bạn sử dụng lá trầu không già bởi lá già có nhiều tinh dầu hơn lá non.
  • Người có tiền sử đau dạ dày không nên áp dụng cách trị ho này. Với những ai đã áp dụng và thấy dạ dày khó chịu, chỉ nên dùng 3 ngày sau đó nghỉ 2 ngày rồi dùng tiếp.
  • Lá trầu sử dụng làm thuốc trị ho phải đảm bảo là lá trầu sạch. Bạn nên ngâm nước muối hoặc sục rửa ozon để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên lá trước khi dùng.

Trị ho đờm bằng lá trầu không không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhất là trong trường hợp bệnh nặng. Khi áp dụng cho trẻ em, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước đó. Nếu ho nhiều và kéo dài, bạn nên đến bác sĩ để được xác định nguyên nhân và hướng dẫn sử dụng thuốc ho thích hợp nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button