Kiến thức dược liệu

Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho hiệu quả không nên bỏ qua

Nhiều người sử dụng quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho. Theo đó, quất hồng bì giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho, cảm cúm, ho đờm,… Nhờ chứa nhiều thành phần giúp kháng viêm, tiêu sưng người bệnh nhẹ có thể sử dụng để cải thiện tình trạng ho mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

Tác dụng của quất hồng bì

Quất hồng bì thuộc họ cam quýt, loại cây này được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Cây quất có chiều cao từ 3 – 8m, hoa quất thường nở vào tháng 3. Quả quất khi chín có màu vàng, mọng nước và có vị chua ngọt. Quất ngoài công dụng làm món ăn vặt, còn là một phương thuốc tự nhiên có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, mỗi phần của quả quất đều có tính vị và dược tính khác nhau.

  • Phần quả có vị chua ngọt, tính nóng có tác dụng giảm đờm, giảm ho, ngăn ngừa cảm giác buồn nôn, kích thích tiêu hóa.
  • Lá có tính bình, vị hơi đắng có tác dụng hạ sốt, ho cảm cúm, long đờm, say nắng.
  • Vỏ rễ và hạt có vị hơi hăng, đắng, tính ấm, được dùng để tăng cảm giác ngon miệng, giúp tiêu hóa, giảm các triệu chứng đau khớp.
  • Xông hơi bằng lá quất hồng bì có tác dụng trị cảm hay gội đầu bằng nước quất cũng có tác dụng sạch gàu, bóng mượt.
Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho hiệu quả không nên bỏ qua 1Quả quất hồng bì có vị chua ngọt, tính nóng có tác dụng giảm đờm, giảm ho,…

Theo y học hiện đại

Nhờ vào thành phần hóa học trong quả quất hồng bì mà có thể sử dụng để giảm độc của ký sinh trùng, chống co thắt và kháng khuẩn. Theo y học hiện đại, quất hồng bì có tác dụng chữa:

  • Ho, ho có đờm, nhất là ở trẻ em khi ho.
  • Sốt cao, cảm lạnh.
  • Chữa phong thấp, phụ nữ sau khi sinh cũng có thể sử dụng.
  • Chữa đau dạ dày, đau quặn bụng, đau vùng thượng vị.

Tùy vào mục đích sử dụng mà sử dụng theo nhiều cách với liều lượng khác nhau như sắc thuốc uống, ăn tươi, ủ lên men, dùng ngoài da,…

Quất hồng bì ngâm mật ong có tác dụng gì?

Quất hồng bì có tính bình, tác dụng tốt trong việc trị ho, long đờm, kích thích tiêu hóa, giảm buồn nôn,… Đặc biệt vỏ quất chứa lượng chất xơ dồi dào và nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe.

Nhiều người tận dụng loại quả này ngâm mật ong để trị ho, giảm đờm. Phương pháp đã được áp dụng hiệu quả từ xa xưa. Bạn có thể ngâm quất trong mật ong hoặc đường phèn để sử dụng lâu dài.

Bạn sẽ cảm nhận được hương vị chua ngọt, hơi đắng từ vỏ của quất hồng bì. Kết hợp với mật ong giúp làm ấm cổ họng và giảm ho. Bài thuốc này có thể áp dụng cho tình trạng bệnh nhân bị ho gà, ho do cảm cúm, ho gió,… Đặc biệt hiệu quả và an toàn cho trẻ em.

Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho

Quất hồng bì ngâm mật ong là phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng. Theo đó, bạn có thể ngâm quất với mật ong hoặc đường phèn như đã nói ở trên.

Cách ngâm quất hồng bì với mật ong

Mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa, là nguyên liệu phổ biến trong các bài thuốc ho. Ngâm quất hồng bì với mật ong giúp bảo quản quất được lâu, tăng hiệu quả trị ho và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn. Cách thực hiện như sau:

Nguyên liệu:

  • 500g quất hồng bì gần chín, tươi, quả to, vỏ có màu vàng đậm không bị dập.
  • 200ml mật ong nguyên chất.
  • Muối.

Cách làm:

  • Quất hồng bì rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ thuốc trừ sâu, tạp chất bên ngoài, sau đó để ráo nước.
  • Thái lát mỏng quất để mật ong thấm nhanh hơn trong quá trình ngâm. Ngoài ra, bạn có thể để nguyên quả rồi dùng dao rạch những đường bên ngoài vỏ.
  • Xếp quất vào lọ thủy tinh, đổ mật ong ngập từng lớp quất, mỗi lớp cao khoảng 2cm, cho đến khi cho hết quất. Đảm bảo phần mật ong bao phủ hết quất.
  • Đậy kín nắp lọ thủy tinh, bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 30 độ C. Sau vài ngày, nước quất hòa quyện với mật ong, quả quất teo dần thì bạn có thể sử dụng.
Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho hiệu quả không nên bỏ qua 2Chuẩn bị một hũ quất hồng bì ngâm mật ong để bảo vệ sức khoẻ gia đình khi cần thiết

Quất hồng bì ngâm đường phèn

Tương tự như ngâm quất với mật ong, quất hồng bì ngâm đường phèn cũng là bài thuốc trị ho hiệu quả. Nhờ vào vị ngọt của đường phèn nên giúp cơ thể thanh nhiệt, giảm ho và giảm đau rát họng. Cách ngâm quất với đường phèn như sau:

Nguyên liệu:

  • 500g quất hồng bì tươi;
  • 1kg đường phèn.

Cách làm:

  • Rửa quất bằng nước sạch, ngâm qua nước muối pha loãng cho sạch bụi bẩn, sau đó để ráo nước.
  • Cho quất vào hũ, rắc đường phèn lên trên, xen kẽ từng lớp quất và đường phèn cho đến hết.
  • Đậy kín nắp và bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ phòng, sau 3 tháng là có thể sử dụng. Lúc này đường phèn đã tan hết, nước quất tiết ra sánh lại có màu vàng.

Lưu ý khi sử dụng quất hồng bì ngâm mật ong

Sau khi ngâm quất hồng bì với mật ong. Nếu bị ho nhẹ, bạn có thể lấy vài miếng quất ngâm ăn trực để giảm các triệu chứng khó chịu ở cổ họng. Ngoài ra, bạn có thể pha với nước uống vào mỗi buổi sáng để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể.

Quất ngâm mật ong có thể cho trẻ bị ho sử dụng. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với trường hợp ho nhẹ, ho do cảm lạnh, cảm cúm, ho có đờm,… Nếu ho kèm theo các biểu hiện nặng như sốt cao, nôn trớ, cơ thể tím tái,… thì nên đưa trẻ đi khám.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả cao khi dùng quất ngâm mật ong trị ho, bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt của mình. Ăn thức ăn mềm và dễ nuốt để tránh làm đau rát cổ họng và làm cho cơn ho nặng hơn. Đồng thời, tránh các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,… Dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể nhanh hồi phục. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập vừa sức để cải thiện quá trình lưu thông máu, nâng cao sức khoẻ tổng thể và hoạt động của hệ miễn dịch trước sự tấn công của vi khuẩn có hại.

Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho hiệu quả không nên bỏ qua 3Bên cạnh dùng quất ngâm mật ong trị ho, cần thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị ho hiệu quả

Hy vọng qua bài viết trên mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ, bạn đọc đã biết cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho tại nhà. Phương thuốc dân gian này có tác dụng đối với chứng ho nhẹ. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường khác, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Có thể bạn quan tâm:

  • Rau tần trị ho có tốt không? Công dụng và cách sử dụng
  • Các loại lá trị ho hiệu quả nhất bạn nên biết
  • Mách bạn cách làm QUẤT NGÂM MẬT ONG giảm ho, tăng sức đề kháng tại nhà

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button