Ong ruồi và ong mật: Đặc điểm và công dụng có gì khác nhau?
Mật ong là tinh chất mà một số loài ong sản xuất ra qua quá trình hút mật và thu thập phấn hoa. Đây là thứ tinh chất thuần khiết, không thêm bất cứ một loại nguyên liệu nào. Mật ong là nguyên liệu quen thuộc, được ứng dụng trong lĩnh vực thực ẩm, y tế, làm đẹp. Có nhiều loài ong cho mật, nhưng 2 loài ong phổ biến nhất và cũng thường được khai thác mật nhất là ong ruồi và ong mật. Vậy đặc điểm và công dụng của mật hai loài ong này có gì khác nhau?
So sánh về đặc điểm ong ruồi và ong mật
Có thể nhiều người chưa biết con ong ruồi và con ong mật có đặc điểm gì khác nhau. Vì vậy, trước hết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đặc điểm của 2 loài ong này.
Ong ruồi có đặc điểm gì?
Ong ruồi là loài ong thuộc phân chi Micrapis trong chi ong mật, họ ong mật. Ong có kích cỡ nhỏ chỉ khoảng bằng con ruồi trâu nên được gọi là ong ruồi. Trong đàn ong, ong thợ có kích thước từ 7 – 10mm, chiều dài cánh khoảng 6 – 7mm, khoang bụng có màu cam. Đàn ong ruồi thường có số lượng ít con, nọc có ít độc. Trong tự nhiên, loài này hay làm tổ trong bụi cỏ hoặc dưới những cành cây to, trên cây dừa. Ong ruồi sống hoang dại, mỗi tổ ong thường chỉ cho khoảng 250ml mật.
Khi phát hiện ra tổ ong, người thợ sẽ trèo lên cây, hơ khói để đuổi ong ra khỏi tổ và lấy tổ ong khỏi cành cây. Ong ruồi thường chết vào mùa lạnh nên người ta sẽ thu hoạch tổ khi thời tiết ấm áp, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
Ong mật có đặc điểm gì?
Ong mật thuộc họ ong mật (Apidae), trong bộ cánh màng (Hymenoptera), là tập hợp các loài ong có đời sống xã hội và bản năng sản xuất mật. Trong đàn ong mật sẽ có ong thợ, ong chúa, ong đực. Trong đó, ong chúa đảm nhận chức năng sinh sản, ong đực có nhiệm vụ giao phối với chúa tơ. Ong thợ là những con ong cái không có khả năng sinh sản, đảm nhận tất cả các công việc quan trọng của đàn ong như: Xây tổ, bảo vệ tổ, sản sinh sữa chúa nuôi ấu trùng, hút mật hoa tạo thành mật ong. Mỗi đàn ong mật thường có khoảng 30.000 con, một số lượng lớn hơn rất nhiều so với ong ruồi.
Mật của ong mật có thể được khai thác trong tự nhiên (ong rừng) cũng có thể được khai thác từ các trang trạng nuôi ong (chiếm phần lớn). Ong mật tạo mật quanh năm nhưng mùa tốt nhất để thu hoạch mật là mùa xuân – mùa hạ ở miền Bắc và vào mùa khô (tháng 2 – tháng 4) ở miền Nam.
So với ong ruồi, con ong mật có kích cỡ lớn hơn, có thể gấp đôi hoặc gấp 3. Ong mật cũng đốt đau hơn, khoang bụng con ong có màu vàng pha đen. Ong mật sống trong môi trường tự nhiên thường làm tổ trên cây, trong hốc đá, hốc cây, trụ điện, những nơi kín gió. Người ta có thể bắt ong mật sống trong môi trường tự nhiên về nuôi lấy mật. Ngày nay, nuôi ong mật đã trở thành một lĩnh vực chăn nuôi mang đến giá trị kinh tế cao vì ong mật cho ra sản lượng tốt. Mỗi đàn ong mật có thể sản xuất được 7 lít mật mỗi năm.
So sánh về chất lượng mật và giá thành
Không chỉ khác nhau về đặc điểm hình dáng và đặc tính sinh trưởng, mật của ong ruồi và ong mật cũng có những điểm khác biệt đáng kể về chất lượng cũng như giá thành.
Mật ong ruồi có đặc điểm gì?
Mật ong ruồi thường có màu sắc nhạt hơn, có vị ngọt dịu và thanh. Mật có mùi hương thơm tự nhiên nhưng không mang một mùi đặc trưng cụ thể vì ong kiếm ăn trong tự nhiên nên có thể hút mật từ nhiều loài hoa. Ong ruồi có thể bắt về nuôi được nhưng không mấy ai làm việc này vì sản lượng mật rất ít nên dù nuôi cũng không mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Tuy nhiên, người Việt Nam có tâm lý chuộng đồ được khai thác trong tự nhiên. Ong ruồi không được nuôi nhiều nên số lượng khan hiếm hơn, vì thế, giá bán cũng thường cao hơn nhiều loại mật khác. Một số người dùng lại cho rằng khai thác mật ong ruồi từ tự nhiên cũng tiềm ẩn các nguy cơ nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình như việc người dân dễ khai thác mật non với chất lượng mật chưa hoàn hảo. Khi người thợ vắt mật cũng khó có thể đảm bảo vệ sinh nên mật dễ bị chua hoặc nhiễm khuẩn.
Mật ong mật có đặc điểm gì?
Sự khác nhau giữa mật ong ruồi và ong mật nếu người có kinh nghiệm có thể phân biệt bằng mắt thường. Mật ong mật có màu hổ phách hoặc màu nâu đen, hơi dính, cảm giác đậm đặc hơn, ngọt đậm hơn. Mật ong rừng thường có mùi hương tự nhiên, nồng và ngọt hơn mật ong nuôi. Mật ong nuôi thường hút mật của một loài hoa nhất định nên mật thường mang hương thơm của loài hoa đó, như mật ong hoa nhãn, mật ong hoa bạc hà…
Vì được nuôi thương phẩm nhiều nên mật ong mật rất phổ biến, dễ mua, giá hành rẻ hơn nhưng không có nghĩa là giá trị dinh dưỡng thấp hơn mật ong ruồi. Thậm chí, với quy trình nuôi ong chuẩn khoa học, quy trình thu hoạch mật bài bản, xử lý mật đúng cách để mật vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa lưu giữ được hương vị tự nhiên nguyên bản.
So sánh về tác dụng mật ong ruồi và ong mật
So sánh mật ong ruồi và ong mật về thành phần hóa học, ta thấy cả 2 loại mật này có thành phần khá giống nhau. Trong 2 loại mật này đều chứa một số thành phần hóa học như:
- 60 – 70% là đường Glucose và Levulose, 3 – 10% là đường Saccarose;
- Vitamin B2, PP, B6;
- Các acid hữu cơ như: Panthotenic, a.formic, tartaric, citric, malic, oxalic,…
- Các khoáng chất và các nguyên tố vi lượng như: Na, Ca, Fe, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti, K, Mg, Cl, P, S,…
- Một số thành phần khác,
Tác dụng của mật ong ruồi hay mật ong mật cũng tương tự nhau. Trong Đông Y, mật ong có tính bình, vị ngọt thanh, có tác dụng bổ trung, nhuận táo, giải độc, chỉ thống. Mật ong ruồi và ong mật có những tác dụng như:
- Mật ong có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, tốt cho giấc ngủ.
- Có thể khắc phục một số vấn đề liên quan đến gan và túi mật.
- Dùng để sát khuẩn họng, chữa ho khan, ho có đờm.
- Mật ong có tác dụng sát khuẩn da, giúp vết thương ngoài da nhanh lành.
- Hỗ trợ phục hồi vết loét dạ dày, ngăn ngừa chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Mật ong có tác dụng trị mụn, dưỡng ẩm, sát khuẩn, chống lão hóa cho da.
- Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong mật ong hỗ trợ phòng ngừa bệnh ung thư.
- Làm dịu các tổn thương do bệnh trĩ gây ra, chữa bệnh ngoài da, giảm viêm ngứa da.
- Tăng cường miễn dịch cơ thể, phòng ngừa nhiễm trùng.
- Hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cảm cúm.
So sánh về độc tính của mật ong
Dù mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là mật ong ruồi và ong mật không có tác dụng phụ. Có thể kể đến một số tác hại khi sử dụng mật ong không đúng cách hoặc dùng quá liều như:
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Tăng đường huyết và khiến bệnh tiểu đường thêm nghiêm trọng.
- Ngộ độc mật ong xảy ra do trong mật ong có chứa clostridium botulinum.
- Dùng nhiều mật ong bị đầy bụng, khó tiêu.
- Một số người dùng nhiều mật ong dẫn đến tụt huyết áp.
Dù là mật ong ruồi hay mật ong rừng, mật ong nuôi, nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể có những ảnh hưởng đến sức khỏe theo các cách khác nhau và mức độ khác nhau.
So sánh về cách sử dụng mật ong ruồi và ong mật
Cách sử dụng 2 loại mật ong này cũng tương tự nhau. Bạn có thể dùng mật ong nguyên chất dạng lỏng, dùng để làm các loại siro hoặc kết hợp với các thành phần dược liệu, nguyên liệu thiên nhiên khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung khi sử dụng 2 loại mật này là:
- Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi không được dùng bất kỳ loại mật ong nào. Trẻ dưới 1 tuổi dễ ngộ độc mật ong nên đây không phải thực phẩm phù hợp với các bé.
- Bệnh nhân tiểu đường không dùng mật ong vì nó chứa khá nhiều đường.
- Người mới phẫu thuật, người gặp vấn đề về đông máu không nên dùng mật ong vì nguyên liệu này có thể làm chậm quá trình đông máu.
- Người đang rối loạn tiêu hóa, xơ gan, có tiền sử dị ứng với các thành phần có trong mật ong cũng không nên sử dụng bất cứ loại mật nào.
- Mật ong kỵ gì? Các loại mật ong đều kỵ đậu nành, cua, thì là nên bạn không nên ăn cùng nhau.
Cả ong ruồi và ong mật đều ban tặng cho con người món quà thiên nhiên quý giá là mật ong. Mật ong ruồi có thể đắt hơn mật ong nuôi vì khan hiếm hơn nhưng không có nghĩa là mật ong nuôi có chất lượng thấp hơn. Vì vậy, bạn có thể sử dụng bất kỳ loại mật nào phù hợp với tài chính và hãy học cách nhận biết mật ong nguyên chất để không mua phải mật giả bạn nhé!