Xã hội 14:12, 08/03/2022 GMT+7
14 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Nguyễn Văn Chung ở ấp Thuận Hòa 1, xã Thuận Lợi là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong ở huyện Đồng Phú. Đến nay, ông có hơn 150 thùng ong, đặt ở nhiều khu vườn khác nhau. Theo kinh nghiệm của ông, ong lấy mật quanh năm, chúng luôn tìm nơi có hoa nở, khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 là thời gian mật ong dồi dào nhất trong năm. Đôi khi cũng tùy vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy thì người nuôi sẽ tiến hành thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Chung, xã Thuận Lợi có 14 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật
Ông Chung chia sẻ: “Vào tháng 3, ong lấy được nhiều mật hơn cả và mật mùa này cũng ngon nhất, bởi mùa này cây cối nhiều hoa, ong làm mật chăm chỉ và cho ra những mẻ mật ngon nhất. Thời điểm này, đàn ong nhà tôi lấy mật từ hoa điều, cao su và hoa bơ là chủ yếu. Ong sẽ gắn bó khi ta đảm bảo đủ mật trong thùng để nuôi ong non vào mùa chúng không lấy được mật, nếu không đàn ong sẽ bỏ đi”.
Nuôi ong hơn 15 năm, với ông Lê Văn Lợi ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, ong đã trở thành bạn. Niềm vui bao năm nay của ông vẫn thế, vui sướng khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc. Ông Lợi chia sẻ: “Muốn có được năng suất mật lớn, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có nguyên liệu làm mật. Để đàn ong khỏe mạnh, không bệnh tật, phải thường xuyên kiểm tra, che chắn khi thời tiết xấu”.
Vào tháng 3, ở Bình Phước nguồn hoa dồi dào, thời tiết thuận lợi cho ong đi lấy mật, đến tháng 6 dương lịch, ông Lợi lại di chuyển hơn 200 thùng ong mật của gia đình đến tỉnh Bình Thuận đưa vào các vườn thanh long, vườn tràm để ong lấy mật, đến tháng 10 thì đưa đàn trở về Bình Phước. Ông Lợi nói: “Di chuyển đàn đi như vậy vất vả, nhưng nếu không đi, không có nguồn hoa thì chi phí nuôi ong bằng bột và đường rất tốn kém và mật sẽ không ngon”. Trung bình mỗi năm ông Lợi thu hơn 5 tấn mật, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ với những người ham thích, chịu khó học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm như chăm trẻ nhỏ. Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong.
Ông LÊ VĂN LỢI, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú
Ông Nguyễn Quang Đại ở ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cũng nuôi ong được hơn 8 năm. Hiện gia đình ông đang có 400 thùng. Trung bình 6 tháng ông thu một lần từ 4-4,5 tấn mật. Theo ông Đại, khi đến thời kỳ lấy mật, chỉ cần báo cho công ty họ sẽ đưa xe ra thu mua, còn về chăm ong và thu mật thì vợ chồng ông tự làm, không phải thuê người. Nghề nuôi ong đầu tư ban đầu tốn kém, nhưng hiệu quả kinh tế thấy rõ, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng từ việc nuôi ong lấy mật.
Bên cạnh việc khai thác mật, người nuôi còn phải tính đến việc bảo tồn số lượng bầy ong của mình. Nhớ lại những ngày đầu mới làm quen với ong, ông Đại đã thất bại vài lần khi không thể nhân giống. Càng thất bại, ông lại càng quyết tâm và cuối cùng thành công cũng đã đến với người nông dân cần cù này. Hiện tại, mỗi lần khai thác mật, ông Đại mang kèo ong để vào một chiếc thùng kín rồi cho xoay nhiều vòng. “Mình phải làm vậy để ấu trùng ong văng ra khỏi kèo, như vậy lúc ép mật, ong non không bị chết. Từ lúc áp dụng cách này, tôi đã giữ được số lượng thùng ong ổn định. Chứ lúc trước lâu lâu tôi phải gầy giống một lần” – ông Đại giải thích.
Nuôi ong không phải nghề mới, nhưng người nuôi ong quy mô trong huyện thì không nhiều, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong dân, tuy vậy nhiều hộ nuôi cũng có được nguồn thu ổn định từ nuôi ong lấy mật. Tháng 3 về, những người nuôi ong lại tất bật thu hoạch mật, cùng đón những niềm vui của mùa mật ngọt.