Kiến thức dược liệu

Nghệ tươi có giúp giảm đau dạ dày không?

Từ lâu, nghệ đã có mặt trong các bài thuốc trị đau dạ dày. Ngày nay, nghệ tươi cũng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh về độ hiệu quả trong việc làm giảm cơn đau dạ dày. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về tác dụng, cách sử dụng và lưu ý khi dùng nghệ tươi giảm đau dạ dày nhé!

1Nghệ là gì? Thành phần dinh dưỡng có trong củ nghệ

Nghệ là gì?

Bột nghệ mà chúng ta thường dùng làm gia vị được nghiền từ rễ củ của cây nghệ. Từ xa xưa, nghệ đã được ứng dụng làm thuốc nhuộm – màu vàng đặc trưng của nhiều nền văn hóa. Ngày nay, củ nghệ được chế biến thành nhiều dạng khác nhau như bột, trà, viên nang, dịch chiết,… có sẵn trên thị trường.

Curcumin là thành phần hoạt chất chính có trong củ nghệ mang lại nhiều đặc tính sinh học mạnh. Y học dân gian Ấn Độ khuyên dùng nghệ cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau như các bệnh đau mãn tính và viêm. Khoa học hiện đại ngày nay đã bắt đầu nghiên cứu nghệ như một loại thuốc giảm đau và có khả năng chữa bệnh.[1]

Nghệ có thành phần chính là curcumin

Nghệ có thành phần chính là curcumin

Thành phần dinh dưỡng có trong củ nghệ

Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một muỗng canh bột nghệ cung cấp 29 calo cùng nhiều thành phần dinh dưỡng khác như:[2]

  • 0,91g protein
  • 0,31g chất béo
  • 6,31g carbohydrates
  • 2,1g chất xơ
  • 0,3g đường

Trong một muỗng canh bột nghệ còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác giúp đáp ứng một phần nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, cụ thể như sau:

  • 26% lượng mangan cần mỗi ngày
  • 16% lượng sắt hàng ngày
  • 5% kali hàng ngày
  • 3% vitamin C hàng ngày

Nghệ cung cấp nhiều carbohydrate, chất xơ, vitamin và khoáng chất,...

Nghệ cung cấp nhiều carbohydrate, chất xơ, vitamin và khoáng chất,…

2Nghệ tươi có giúp giảm đau dạ dày không?

Cơn đau dạ dày có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt có liên quan đến các rối loạn tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng,…

Trung tâm y tế Đại học Maryland lưu ý rằng cơ chế làm giảm chứng khó tiêu và đau bụng của củ nghệ có liên quan đến túi mật. Trong đó, curcumin (thành phần chính của nghệ) đã kích thích hoạt động sản xuất mật từ túi mật và tiết mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Ngoài ra, curcumin cũng là một polyphenol có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, đồng thời có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Vì là một chất chống oxy hóa nên curcumin có thể bảo vệ tế bào cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do gây hại. Theo y học Ấn Độ và Trung Quốc, nghệ là một vị thuốc có tác dụng làm giảm axit dịch vị dạ dày, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng viêm thành ruột.

Trong một nghiên cứu năm 2001 về tác động của curcumin đối với viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, kết quả cho thấy các triệu chứng viêm dạ dày đã thuyên giảm trong vòng vài tuần.[3]

Tóm lại, nghệ tươi chứa curcumin có hoạt tính sinh học mạnh nên giúp giảm đau dạ dày bằng cách bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm viêm và kích thích quá trình phục hồi. Tuy nhiên, hiệu quả của nghệ trong việc giảm đau dạ dày sẽ khác nhau đối với mỗi người (phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cơ địa, tình trạng sức khỏe,…).

Nghệ tươi chứa curcumin có hoạt tính sinh học mạnh nên giúp giảm đau dạ dày

Nghệ tươi chứa curcumin có hoạt tính sinh học mạnh nên giúp giảm đau dạ dày

3Lợi ích của Nghệ tươi đối với dạ dày

Điều trị trào ngược dạ dày, thực quản

Trong các nghiên cứu trên động vật (in vivo), curcumin đã được so sánh với lansoprazole, chất ức chế bơm proton (PPI) thường được sử dụng như một loại thuốc tiêu chuẩn khuyến nghị chống lại các rối loạn đường tiêu hóa bao gồm GERD. Trong những báo cáo này, curcumin đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tổn thương niêm mạc thực quản do viêm trào ngược dạ dày cấp tính.

Mặc dù curcumin được ghi nhận có hiệu quả kém hơn so với chất ức chế bơm proton (PPI) lansoprazole trong việc ngăn chặn viêm trào ngược dạ dày, nhưng lại vượt trội hơn lansoprazole trong việc ngăn chặn viêm trào ngược dạ dày do acid và mật kết hợp. Cơ chế bảo vệ này do curcumin gây ra ở thực quản đã được quy cho tính chất chống oxy hóa của hợp chất nghệ này.[4][5]

Curcumin được sử dụng dưới dạng dầu có tác dụng bảo vệ thực quản chống lại tổn thương do trào ngược acid thông qua khả năng duy trì chức năng của ty thể, như được ghi nhận thông qua việc bảo toàn cả biểu hiện và hoạt động của MnSOD bởi hợp chất nghệ này.

Các tác giả này kết luận rằng dầu curcumin ngăn ngừa sự mất biểu hiện MnSOD trong biểu mô thực quản chuột do mật gây ra. Ngoài ra, việc điều trị bằng dầu curcumin trước khi tiếp xúc với acid hoặc muối mật cũng ngăn chặn mất sự hoạt động của MnSOD trong dòng tế bào thực quản HET-1A.

Đáng chú ý, khi tế bào được điều trị với dầu curcumin, đã quan sát được mức hoạt động enzyme MnSOD cao nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngoài curcumin, MnTBAP và một số dưỡng chất khác bao gồm các chiết xuất từ quả mâm xôi cũng đều giữ được biểu hiện của MnSOD hiệu quả trong tế bào HET-1A.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng curcumin đã có tác dụng tích cực chống lại các tác động có hại từ mật đối với tế bào niêm mạc thực quản. Mặc dù chất curcumin được đưa vào thực quản kém, nhưng việc bổ sung curcumin cho bệnh nhân mắc bệnh thực quản Barrett không chỉ giảm hoạt động của NF-κB và các đặc điểm viêm nhiễm trong thực quản mà còn làm tăng quá trình tự hủy trong các mô thực quản của Barrett.

GERD xảy ra do phản ứng viêm và quá trình stress oxy hóa. Trong khi đó củ nghệ và chiết xuất curcumin từ nghệ đều được cho là có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Do đó, nghệ có thể giúp điều trị GERD.[6]

Nghệ tươi có thể hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Nghệ tươi có thể hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bảo vệ dạ dày do NSAID

Việc tiêu thụ NSAID có liên quan đến nguy cơ tác dụng phụ trên đường tiêu hóa bao gồm chảy máu vi mô dạ dày, tổn thương cấu trúc biểu mô, ngừng lưu thông máu, suy giảm chất nhầy dạ dày, bài tiết kiềm, và thay đổi nhu động đường ruột. Cơ chế của bệnh dạ dày do NSAID liên quan đến sự suy giảm hàng rào niêm mạc dạ dày chủ yếu do ức chế các prostaglandin nội sinh (PGs).

Đáng chú ý, khả năng bảo vệ của chất curcumin đi kèm với sự giảm lipid peroxides cho thấy cơ chế làm giảm tổn thương niêm mạc dạ dày do NSAIDs như naproxen gây ra có thể liên quan đến sự ức chế peroxid hóa lipid và kích hoạt các enzym tiêu diệt các gốc tự do. Do đó, dữ liệu chỉ ra rằng curcumin có tính chất bảo vệ chống loét hang vị ở vùng tiêu hóa do khả năng làm giảm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Phương pháp điều trị thay thế bằng các hợp chất thực vật như bổ sung bằng các hợp chất phenolic từ chế độ dinh dưỡng bao gồm curcumin – có thể có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn, từ đó ngăn chặn các bệnh ở đường tiêu hóa trên như viêm loét dạ dày – tá tràng, bao gồm cả hoạt động gây loét của NSAIDs.

Theo Ganguly và cộng sự của ông cho thấy curcumin, cũng như melatonin và omeprazole, có khả năng bảo vệ dạ dày, chống lại tổn thương dạ dày do indomethacin gây ra bằng cách ức chế sinh tổng hợp niêm mạc dạ dày và biểu hiện của MMP-2.[7]

Morsy và cộng sự cũng đã xác nhận hiệu quả bảo vệ của curcumin chống lại hoạt động gây hại của indomethacin trong dạ dày chuột. Với một liều curcumin duy nhất đã làm giảm chỉ số tổn thương dạ dày do indomethacin và nồng độ malondialdehyde (MDA) gây nên.[8][5]

Nghệ tươi giúp bảo vệ dạ dày do tiêu thụ quá nhiều NSAID

Nghệ tươi giúp bảo vệ dạ dày do tiêu thụ quá nhiều NSAID

Bảo vệ niêm mạc dạ dày

Hầu hết các bệnh nhân khi bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, đau bao tử đều phải đối mặt với các cơn đau dữ dội do các vết loét hình thành trong dạ dày và củ nghệ được xem là cứu tinh tuyệt vời.

Curcumin trong nghệ tươi có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa, giúp cho niêm mạc dạ dày có một lớp màng bảo vệ, đồng thời giúp chữa lành các vết loét sẵn có, giảm tối đa sự hình thành các vết loét mới, giảm sự kích thích dạ dày gây khó chịu, đau đớn cho người bị đau dạ dày.[5]

Cơ chế bảo vệ do curcumin gây ra chống lại tổn thương từ ethanol cũng có thể phụ thuộc vào sinh khả dụng nội sinh của PG, vì các chất ức chế COX-1 và COX-2 (indomethacin, rofecoxib và SC-560) đã đảo ngược khả năng bảo vệ này và sự tăng GBF đi kèm được kích thích bởi hợp chất polyphenolic này.

Hơn nữa, việc điều trị đồng thời với những chất ức chế tổng hợp của PGE2 kết hợp với những chất ức chế COX-1 và COX-2 này đã khôi phục lại các hoạt động bảo vệ và chống sung huyết của curcumin chống lại tổn thương từ ethanol.

Sử dụng xét nghiệm tăng cường miễn dịch nhiễm sắc thể, He et al. đã chứng minh rằng chất curcumin ức chế chất kích thích H + /K + ATPase thông qua quá trình acetyl hóa histone, biểu hiện gen và protein của tiểu đơn vị H + /K-ATPase α dạ dày, do đó làm tăng độ pH và cải thiện tình trạng loét dạ dày do căng thẳng gây ra.

Những tác giả này kết luận rằng các tác động chống oxy hóa qua trung gian chất curcumin giúp cơ thể điều chỉnh sự bài tiết corticosterone và tác dụng gây loét do căng thẳng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng tâm trạng ở thần kinh trung ương và ngoại biên đối với các yếu tố căng thẳng mãn tính, không thể dự đoán.

Curcumin trong nghệ tươi hình thành một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày

Curcumin trong nghệ tươi hình thành một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày

Điều trị niêm mạc dạ dày suy giảm do nhiễm Helicobacter pylori

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), H. pylori đã được ghi nhận là mầm bệnh hạng nhất ở người liên quan đến cơ chế bệnh sinh của các rối loạn đường tiêu hóa trên như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, ung thư hạch bạch huyết và ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Hơn 50% dân số toàn cầu bị nhiễm H. pylori, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Cùng với đó là tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng và kéo theo các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nhiễm H. pylori bị suy giảm đã làm tăng sự quan tâm về việc tìm kiếm các phương pháp điều trị thay thế.

Các bằng chứng gần đây cho thấy liệu pháp điều trị bằng hoạt chất curcumin có thể làm giảm stress oxy hóa và những thay đổi mô học đi kèm với viêm loét dạ dày mãn tính liên quan đến H. pylori.

Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, bệnh nhân được chia thành hai nhóm: nhóm 1 điều trị bằng phác đồ bộ ba chuẩn và nhóm 2 điều trị bằng phác đồ bộ ba chuẩn kết hợp với curcumin. Tất cả bệnh nhân đều được kiểm tra nội soi trước và sau 8 tuần điều trị.

Kết quả cho thấy, các dấu hiệu MDA và glutathione peroxidase ở bệnh nhân nhóm 2 giảm, đồng thời khả năng chống oxy hóa của niêm mạc dạ dày tăng (so với nhóm điều trị cơ bản và nhóm 1). Hơn nữa, các tổn thương oxy hóa đối với DNA ở bệnh nhân nhóm 2 cũng đã giảm đáng kể.

Nghiên cứu trên đã chứng minh, curcumin được thêm vào liệu pháp bộ ba làm giảm rõ rệt số điểm viêm (viêm mạn tính, viêm cấp tính) của bệnh nhân so với nhóm điều trị cơ bản và nhóm điều trị bằng bộ ba chuẩn không kết hợp với curcumin. Nhóm tác giả đã kết luận rằng curcumin được thêm vào liệu pháp ba thuốc kháng H. pylori đã làm tăng tỷ lệ diệt trừ, vượt trội so với bộ ba thuốc tiêu chuẩn.[9]

Các nhà nghiên cứu khác đã sử dụng mô hình chuột thí nghiệm để nghiên cứu tác động của curcumin đối với mức độ peroxid hóa lipid, hoạt động của MPO, urease, mức độ kháng thể kháng H. pylori, số lượng vi khuẩn xâm chiếm, sự hình thành màng sinh học, IFN-γ, IL-4, nồng độ gastrin và somatostatin trong huyết thanh.

Trong khi tất cả các chỉ số trên đều tăng khi chuột bị nhiễm H. pylori thì liệu pháp curcumin đã làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn xâm chiếm niêm mạc dạ dày và làm suy giảm hoạt động của lipid peroxide, MPO, urease. Điều này xảy ra nhờ vào đặc tính chống oxy hóa mạnh của curcumin. Hơn nữa, curcumin cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh, chống lại H. pylori ở chuột bị nhiễm khuẩn này.

Ngược lại, mức độ kháng thể kháng IgG và somatostatin đã tăng lên sau khi điều trị bằng curcumin, cho thấy hợp chất này sở hữu các đặc tính điều hòa miễn dịch dẫn đến việc bình thường hóa sự ức chế phản hồi của gastrin do somatostatin bị xáo trộn ở niêm mạc dạ dày bị nhiễm H. pylori.[10]

Cả yếu tố NF-κB gây viêm lẫn các phản ứng di chuyển tạo động trong tế bào biểu mô bị nhiễm H. pylori đều bị ức chế bởi curcumin.[11]

Nhìn chung, những nghiên cứu trên cho thấy curcumin là một chất bổ sung có lợi nhằm cải thiện khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại tình trạng viêm mãn tính, đồng thời ngăn chặn những thay đổi mô bệnh học gây ung thư ở bệnh nhân mắc viêm dạ dày mãn tính liên quan đến H. pylori.[5]

Nghệ tươi giúp điều trị niêm mạc dạ dày suy giảm do nhiễm Helicobacter pylori

Nghệ tươi giúp điều trị niêm mạc dạ dày suy giảm do nhiễm Helicobacter pylori

4Cách sử dụng nghệ tươi chữa đau dạ dày

Có rất nhiều bài thuốc dân gian liên quan đến nghệ tươi, dưới đây sẽ là một số cách sử dụng nghệ tươi để chữa đau dạ dày rất đơn giản và dễ làm mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà:[3]

Nghệ tươi và mật ong chữa đau dạ dày

Nguyên liệu

  • 1 củ nghệ tươi
  • 2 muỗng cà phê mật ong

Cách làm

  • Gọt vỏ nghệ tươi sau đó rửa sạch và giã nát, vắt lấy khoảng 3 muỗng cà phê nước nghệ.
  • Trộn đều nước nghệ và mật ong vào 100ml nước ấm.

Cách dùng

Uống 2 lần/ngày (trưa và tối), sau ăn 30 phút, uống liên tục trong 2 tháng.

Công dụng của bài thuốc

Nghệ và mật ong có khả năng kích thích tuyến mật tiết ra mật giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, đặc biệt có lợi cho người bị đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, curcumin trong nghệ còn có khả năng tạo ra một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày giúp ngăn chặn sự tấn công của dịch vị dạ dày.

Nghệ tươi và mật ong giúp cải thiện chức năng tiêu hóa

Nghệ tươi và mật ong giúp cải thiện chức năng tiêu hóa

Nghệ tươi, chuối chát, sắn dây rất hiệu quả trong chữa đau dạ dày

Nguyên liệu

  • 10 củ nghệ tươi
  • 5 củ sắn dây
  • 5 trái chuối xanh vị chát

Cách làm

  • Nghệ tươi: Gọt vỏ củ nghệ tươi, sau đó rửa sạch và để ráo. Xay nhuyễn nghệ và phơi ở một nơi khô ráo cho đến khi khô hoàn toàn. Sau đó, bảo quản nghệ đã xay thành bột trong một lọ thủy tinh có nắp đậy.
  • Sắn dây: Rửa sạch sắn dây và gọt vỏ. Cắt sắn dây thành từng que nhỏ và phơi khô. Sau đó, xay sắn dây khô thành bột và bảo quản trong một lọ có nắp đậy.
  • Chuối xanh: Rửa sạch chuối xanh, gọt vỏ và cắt thành từng que nhỏ. Sau đó, phơi khô và xay chuối xanh khô thành bột. Bảo quản bột chuối xanh trong một lọ có nắp đậy.

Cách dùng

Pha 2 muỗng cà phê bột nghệ, 1 muỗng cà phê bột sắn dây và 1 muỗng cà phê bột chuối xanh vào 100ml nước ấm. Uống 2 lần/ngày (trưa và tối), sau ăn khoảng 30 phút, uống liên tục trong 2 tháng.

Công dụng của bài thuốc

Bài thuốc trên được dùng để chữa các bệnh liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm cuống dạ dày, viêm dạ dày tá tràng,…

Hỗn hợp bột nghệ tươi, chuối xanh, sắn dây giúp điều trị nhiều bệnh về dạ dày

Hỗn hợp bột nghệ tươi, chuối xanh, sắn dây giúp điều trị nhiều bệnh về dạ dày

Bột nghệ

Nguyên liệu

  • 10 củ nghệ tươi

Cách làm

  • Nghệ tươi gọt vỏ sau đó rửa sạch và để ráo.
  • Xay nhuyễn nghệ tươi đã rửa sạch rồi phơi ở một nơi khô ráo cho đến khi khô hoàn toàn.
  • Bảo quản bột nghệ trong một lọ thủy tinh có nắp đậy để giữ cho bột nghệ khô và không bị ẩm.

Công dụng

Chế biến nghệ tươi thành bột rất tiện lợi khi dùng, chỉ cần xay nghệ một lần là có thể dùng trong 2 – 3 tuần. Bột nghệ đã chế biến có thể được sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn và thức uống khác nhau hoặc làm thành bài thuốc như trong trường hợp đã đề cập ở trên.

Chế biến nghệ tươi thành bột rất tiện lợi khi dùng

Chế biến nghệ tươi thành bột rất tiện lợi khi dùng

Cá kho nghệ tươi

Nguyên liệu

  • Một trong các loại cá: cá lóc, cá hồi, cá diêu hồng,…
  • Nghệ tươi
  • Nước dừa
  • Các nguyên liệu cần thiết khác

Sơ chế

  • Cá: Đánh sạch vẩy, mổ bụng rồi chặt khúc. Khi đánh vẩy cá xong bạn hãy dùng miếng chanh chà thật mạnh vào cá để cho cá hết tanh, thịt cá trắng hơn sau đó cho ráo nước rồi mới mổ bụng, cắt khúc.
  • Nghệ: Rửa sạch, cạo vỏ rồi cho vào cối giã nát.
  • Hành tím: Bóc vỏ, thái nhỏ rồi băm hạt lựu.
  • Ớt tươi: Thái nhỏ, bỏ hạt.
  • Ướp cá: Sau khi đã chuẩn bị xong thì cho cá vào bát ướp với nghệ, nước mắm, 1/2 số hành tím, một chút ớt tươi. Để ướp trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút.

Cách làm

  • Chiên sơ cá sẽ giúp thịt cá săn lại khi kho sẽ không bị vỡ và thơm hơn.
  • Cho chảo dầu lên bếp, phi 1/2 số hành tím còn lại cho thật thơm, sau đó cho cá đã được ướp vào nồi, đổ nước dừa vào nồi cá và đun to lửa.
  • Khi cá đã sôi được khoảng 20 – 25 phút thì bạn sẽ nêm nếm gia vị cho vừa vặn và vặn nhỏ lửa, đun sôi cho đến khi cạn nước.

Món nghệ kho cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể

Món nghệ kho cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể

Bò xào rau củ và nghệ vàng

Nguyên liệu

  • Phi lê thịt bò, đậu đũa, cà rốt, cà chua, hành tây, tỏi và hành băm.
  • Nghệ tươi
  • Gia vị: hạt nêm, đường, dầu hào, tương ớt, dầu ăn

Cách làm

  • Gọt vỏ nghệ, giã nhỏ vắt lấy nước.
  • Thái thịt bò, ướp với nghệ, hành, tỏi băm, dầu hào, tương ớt.
  • Đun nóng dầu, phi thơm hành, tỏi, cho thịt bò vào đảo nhanh tay, nêm gia vị.
  • Đun chút dầu khác, xào cà rốt, đậu đũa cắt khúc, hành tây cắt vuông, cà chua bổ đôi, cho thịt bò vào đảo đều.
  • Cho hỗn hợp ra một dĩa lớn, trang trí một ít tiêu cùng với hành tây cắt nhuyễn.

Bò xào rau củ và nghệ chứa đầy đủ dinh dưỡng, hấp dẫn

Bò xào rau củ và nghệ chứa đầy đủ dinh dưỡng, hấp dẫn

5Nên sử dụng bao nhiêu nghệ một ngày để giảm đau dạ dày?

Đối với tình trạng axit dạ dày thấp, mắc chứng khó tiêu hoặc ợ nóng, liều lượng nghệ được khuyến nghị sử dụng mỗi ngày là 500mg x 4 lần. Theo đó, lượng bột nghệ tiêu chuẩn là 400 – 600mg x 3 lần mỗi ngày, cắt gốc từ 1,5 – 3g mỗi ngày, bột khô gốc từ 1 – 3g hàng ngày và dịch chiết từ 30 – 90 giọt mỗi ngày.[3]

Giai đoạn viêm loét dạ dày cấp tính (khi tổn thương mới hình thành và chưa nghiêm trọng) được coi là thời điểm “vàng” để áp dụng phương pháp điều trị loét dạ dày tại nhà bằng nghệ.[12]

Trong giai đoạn này, việc sử dụng nghệ có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định điều trị và nhận được hướng dẫn cụ thể về cách kết hợp sử dụng nghệ một cách hợp lý.

Lượng bột nghệ được khuyến nghị là 400 - 600mg x 3 lần mỗi ngày

Lượng bột nghệ được khuyến nghị là 400 – 600mg x 3 lần mỗi ngày

6Lưu ý khi uống nghệ tươi chữa đau dạ dày

Mặc dù nghệ tươi mang đến nhiều tác động có lợi cho bệnh dạ dày nhưng bạn vẫn cần tham khảo một vài lời khuyên sau để hạn chế các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như:[13][14][12][15]

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi kết hợp nghệ tươi cùng các loại thuốc Tây.
  • Lượng nghệ sử dụng mỗi ngày nên tuân theo liều khuyến nghị và nên dùng đều đặn mỗi ngày, đặc biệt cần tuân theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Để cơ thể tăng khả năng hấp thu và sử dụng curcumin, bạn có thể sử dụng nghệ cùng với hạt tiêu đen hoặc thực phẩm bổ sung có chứa piperine.
  • Không nên quá lạm dụng nghệ vì nó có thể gây ra tác dụng phụ như nóng trong, tiêu chảy, kích ứng dạ dày, làm máu loãng,… (dùng nhiều hơn 1500 mg/ngày dễ gặp phải các tác dụng phụ).
  • Khi dùng nghệ để chữa bệnh dạ dày (đặc biệt là khi kết hợp cùng mật ong) người bệnh không nên ăn thêm các loại hoa quả có nhiều chất xơ, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn, đồ uống có chứa chất kích thích (như rượu, bia, thuốc lá) và các loại gia vị cay nóng (như tiêu, ớt…) vì có thể dẫn đến tiêu chảy.
  • Nghệ có chứa hoạt chất hoạt động như một chất làm loãng máu tự nhiên, do đó không nên dùng cùng thuốc chống đông máu.
  • Người trước và sau phẫu thuật không nên sử dụng nghệ đen vì có thể gây phá huyết, chống lại hay làm chậm quá trình đông máu.
  • Người bệnh tiểu đường không nên dùng nghệ vì chúng có thể làm giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp và làm cho các vấn đề về túi mật trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thận trọng khi dùng nghệ cho phụ nữ đang cho con bú, tốt nhất không nên dùng quá nhiều.
  • Phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng nghệ và các bài thuốc liên quan.
  • Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường sau khi sử dụng nghệ như nổi mề đay, tim đập nhanh, khó thở,… bạn cần ngừng sử dụng và tìm kiếm sự trợ giúp y tế gần nhất.
  • Nhiều người nghĩ rằng nghệ có thể làm tăng tình trạng trào ngược axit trở nên trầm trọng hơn. Có thể là do đặc tính cay của nghệ.
  • Sử dụng nghệ lâu dài hoặc với liều lượng cao có thể gây tăng nguy cơ khó tiêu, buồn nôn và tiêu chảy. Trong trường hợp này, phương pháp điều trị có thể không phù hợp và cần ngừng sử dụng.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn kết hợp nghệ với thuốc Tây để giảm đau dạ dày

Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn kết hợp nghệ với thuốc Tây để giảm đau dạ dày

Hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã hiểu rõ hơn về tác dụng, cách dùng cũng như những lưu ý quan trọng khi dùng nghệ tươi để giảm đau dạ dày. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế khi muốn kết hợp nghệ tươi vào trong quá trình điều trị bệnh dạ dày để tránh các tác dụng không mong muốn.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button