Tin tức
1. Thông tin chung và các thành phần chính của lạc
Lạc, hay còn có một tên gọi khác là đậu phộng thuộc giống cây họ đậu. Quê hương của lạc xuất phát từ khu vực Nam Mỹ và nó cùng họ với các hạt khác như đậu nành và đậu lăng.
Xét về tổng thể thì trong 100g lạc có chứa khoảng 567 calo, 25,8g protein, 8,5g chất xơ, 16,1g carbs, 7% nước, 4,7g đường, 49,2g chất béo lành mạnh.
Chính vì hàm lượng chất béo trong lạc khá cao nên chúng nằm trong danh sách nhóm hạt chứa dầu và trên thực tế sản lượng lớn đậu phộng ra đời hàng năm đều được sử dụng để ép lấy dầu, phục vụ cho hoạt động chế biến món ăn của con người.
Để giải đáp cho thắc mắc lạc có bao nhiêu calo, bạn có thể tham khảo hàm lượng calo trong các dạng thức chế biến của lạc theo bảng dưới đây:
Lạc có bao nhiêu calo?
Dạng thức
Trọng lượng/Số lượng
Tổng số calo
Lạc sống
1 hạt
4,5 kcal
Lạc luộc
100g
500 – 550 kcal
Lạc rang (đậu phộng rang)
100g
650 – 700 kcal
Bơ đậu phộng
100g
750 kcal
Muối vừng lạc
100g
650 kcal
Kẹo lạc
1 cái (~50g)
300 kcal
2. Những giá trị dinh dưỡng khác và lợi ích do lạc đem lại
Trong lạc có rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết:
Một trong những ưu điểm của lạc đó là chứa một lượng vitamin cùng khoáng chất khá dồi dào có lợi cho cơ thể. Cụ thể:
-
Lạc chứa khá nhiều Biotin – đây là một loại vitamin có tác dụng kích thích sự phát triển của tế bào mới, giúp nuôi dưỡng tóc và móng tay mọc nhanh và chắc khỏe hơn. Ngoài ra Biotin còn hỗ trợ chức năng não, gan, mắt và rất tốt cho bệnh nhân mắc chứng trầm cảm hay tâm thần phân liệt. Trong 8g đậu phộng sẽ chứa khoảng 5 microgam biotin và đây là loại thực phẩm giàu biotin chỉ đứng sau hạnh nhân;
-
Khi bổ sung lạc vào chế độ ăn uống hàng ngày, vitamin B3 chứa trong loại hạt này còn giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch;
-
Các vitamin và khoáng chất có lợi khác: Acid folic, vitamin B9 (đặc biệt có ích cho bà bầu), vitamin B, vitamin E, magie, photpho, mangan (khoáng chất này giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa carbohydrate và chất béo, điều chỉnh lượng đường trong máu và hấp thụ canxi). Ngoài ra lạc còn chứa các chất chống oxy hóa lành mạnh tương tự như nhiều loại trái cây khác như: Resveratrol, Acid phytic, Isoflavones, Phytosterol, Acid p-Coumaric,…;
Trong lạc chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể con người
-
Lạc giúp giảm cân lành mạnh: Mặc dù chất béo chiếm gần 50% các thành phần dinh dưỡng trong lạc nhưng phần lớn lại là chất béo không bão hòa, còn lại là một lượng nhỏ chất béo bão hòa và omega 6. Vì vậy lạc là một thực phẩm lý tưởng cho những người muốn duy trì cân nặng hợp lý;
-
Phòng ngừa nguy cơ hình thành sỏi mật: nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu một người ăn khoảng 28gr lạc, hoặc bơ lạc trong khoảng thời gian 1 tuần thì có thể làm giảm tỷ lệ hình thành sỏi mật là 25% so với người hiếm khi ăn loại hạt này;
-
Bên cạnh các loại vitamin như đã nêu ở trên, người ta phát hiện ra trong lạc cũng có chứa một lượng nhỏ vitamin D và canxi. Khi 2 chất này trong lạc kết hợp với nhau sẽ giúp cơ thể chúng ta tăng cường độ bền chắc của xương và răng;
-
Trong dầu lạc còn chứa một lượng chất beta-sitosterol có khả năng hỗ trợ hạn chế các bệnh về tim mạch thông qua can thiệp vào sự hấp thu cholesterol, ngoài ra còn giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư ở người.
3. Các tác dụng phụ không mong muốn khi ăn lạc
Mặc dù lạc là món ăn rất giàu chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp gặp các tác dụng phụ khi ăn phải loại thực phẩm này, ví dụ như:
-
Dị ứng: tuy rằng phản ứng này khá hiếm gặp nhưng dị ứng khi ăn lạc lại là một tác dụng phụ khá nguy hiểm, thậm chí còn có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh;
Những người bị dị ứng không nên ăn lạc
-
Chất giảm hấp thu dinh dưỡng: trong lạc nói riêng và các loại hạt họ đậu hoặc ngũ cốc nói chung có chứa acid phytic khiến cho khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể bị hạn chế. Do vậy không nên ăn quá nhiều lạc sẽ dễ khiến bụng bị đầy hơi, khó tiêu hóa và giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết từ những thực phẩm khác;
-
Ngộ độc aflatoxin: nếu ăn phải lạc bị nấm mốc thì người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như vàng da, chán ăn, nhiễm độc gan. Những nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm hoặc vùng ẩm ướt dễ ăn phải lạc bị mốc. Chính vì thế sau khi thu hoạch xong, lạc cần được bảo quản trong điều kiện khô ráo, sạch sẽ trước khi đưa vào chế biến và sử dụng.
4. Sử dụng lạc trong giảm cân cần lưu ý những gì?
Đối với những người yêu thích hương vị của lạc nhưng đang phải thực hiện chế độ giảm cân thì cần phải ghi nhớ những điều sau:
-
Thay vì ăn riêng lạc, bạn có thể thử trộn lạc với những món ăn khác như nộm rau muống, nộm rau củ,…;
-
Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên kiểm soát lượng lạc tiêu thụ. Nếu ăn quá nhiều lạc, bạn không những không giảm được cân mà còn có thể khiến cân nặng gia tăng;
-
Lạc cũng tốt cho phụ nữ mang thai nhưng đối tượng này nên hạn chế ăn lạc vì sẽ khiến trẻ em sau này dễ có cơ địa dị ứng;
-
Khi đói không được ăn nhiều lạc vì sẽ làm gia tăng hiện tượng chướng bụng đầy hơi;
-
Những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ cũng không nên ăn quá nhiều lạc;
-
Khi thấy lạc đã bị đổi màu thì cần vứt bỏ, không nên ăn vì rất có thể số lạc này đã bị nấm aflatoxin xâm nhập – một loại nấm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nếu thấy lạc xuất hiện nấm mốc cần loại bỏ ngay
Như vậy bài viết trên đã cung cấp một số thông tin để giải đáp cho thắc mắc là lạc có bao nhiêu calo? Ăn lạc có béo không – sẽ không béo nếu chúng ta ăn ở mức độ vừa phải trong giới hạn cho phép. Bên cạnh biết về các chỉ số thành phần có trong lạc, ta cũng đã nhận ra đây là một loại hạt tuy nhỏ bé nhưng lại dồi dào chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với những người đang ăn kiêng, đang mắc các bệnh lý mạn tính hoặc có cơ địa dị ứng thì cần tham khảo kỹ lưỡng trước khi đưa món lạc vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Liên hệ ngay tới tổ tư vấn 1900565656 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để cập nhật nhiều dịch vụ sức khỏe với ưu đãi hấp dẫn các bạn nhé! Để không bỏ lỡ những thông tin bổ ích, hãy truy cập ngay website: medlatec.vn hoặc cài ứng dụng medOn của MEDLATEC ngay hôm nay!