Dị nhân trẻ đi săn ong khoái khổng lồ và những bí mật trong nghề chưa từng bật mí
Bí quyết săn tổ ong khoái
Những ngày đầu tháng 3 năm 2021, chúng tôi có chuyến công tác đến bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Tại đây, có dịp theo chân anh Ly A Mua – người được mệnh danh “cao thủ” săn ong khoái có tiếng ở vùng này. A Mua vẫn còn rất trẻ khi sinh năm 1998 nhưng lại nắm trong mình kinh nghiệm săn những tổ ong khoái khổng lồ mà ít ai có được. Anh có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói vanh vách, chân tay nhanh nhẹn. Đặc biệt, A Mua còn trèo cây giỏi như khỉ.
A Mua lấy vợ năm 2016 và đã có 2 đứa con. Bố A Mua mất cách đây 4 năm, mẹ đi thêm bước nữa. Do cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên vào lúc nông nhàn, A Mua vẫn gắn bó thêm với rừng để mưu sinh.
“Khu vực rừng ở bản Huổi Men có nhiều lộc rừng được đất trời ban tặng cho bà con. Ngoài cây thuốc, cá, ếch thì ong khoái được xem là thứ lộc rừng đem lại giá trị cao nhất mà ai cũng mong muốn tìm được nó. Bởi nếu người nào may mắn theo dấu được chân ong khoái lấy được mật thì mỗi ngày có thể kiếm được cả triệu đồng. Nhờ đó, đời sống khó khăn của người dân đã vơi bớt đi phần nào”, A Mua nói.
Theo A Mua, mùa săn ong khoái bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 6. Thời gian này, từng đàn ong khoái ở khắp nơi lũ lượt kéo nhau về khu rừng của bản Huổi Men để xây những tổ ong khổng lồ to bằng mâm cơm, luyện ra từ 8kg đến 10kg mật. Đây là thời điểm mật ong khoái ngon nhất và bán được giá cao nhất.
Thời tiết nắng nóng là thời điểm thích hợp để săn được ong khoái. Bởi, những ngày này, ong khoái thường chọn nguồn nước của người dân hoặc một số khu vực ở khe suối gần rừng để lấy nước về làm mát cho ong con. Theo kinh nghiệm của A Mua, đàn ong lấy nước ở đâu thì tổ ong chỉ cách đó từ 2km đến 3km. Dùng mắt quan sát cẩn thận và dõi theo hướng bay của đàn ong kết hợp với kinh nghiệm thì sẽ tìm được tổ của chúng. Mặt khác, khi bay gần đến tổ, ong khoái sẽ bay theo vòng xoáy ốc lên cao rồi thả mình rơi tự do xuống tổ.
Nghề nguy hiểm
Tiết lộ xong bí quyết săn tổ ong, A Mua đồng ý dẫn chúng tôi lên rừng để mục sở thị kỹ năng lấy mật của mình. Bằng kinh nghiệm săn ong khoái nhiều năm kết hợp cùng một số mẹo quan sát cách ong khoái lấy nước về tổ, trước khi chúng tôi đến, A Mua đã tìm được một tổ ong khoái khổng lồ to bằng mâm cơm.
Chúng tôi cùng A Mua và 2 người em của anh ngược dốc theo con đường mòn lên khu rừng đằng sau bản Huổi Men. Đi chừng khoảng 15 phút, A Mua chỉ tay lên một thân cây to bằng 1 người ôm và bảo tổ ong khoái nằm trên đó. Từ mặt đất ngẩng mặt lên theo hướng chỉ tay của A Mua là một tổ ong khoái khổng lồ treo lủng lẳng dưới một cành cây có chu vi khoảng 20cm. Tổ ong cách mặt đất khoảng 15m. Nhìn qua tổ ong, A Mua ước nặng khoảng 15kg và cho khoảng 5kg mật.
A Mua dặn dò: Ong khoái là loại ong thù rất dai. Nếu chẳng may khi đụng vào tổ mà bị một con đốt, hàng trăm, hàng nghìn con khác ngửi thấy mùi thì cả đàn sẽ nhao vào đốt ngay và nguy hiểm đến tính mạng. Một khi đã bị đốt thì chạy đến đâu, đàn ong truy đuổi tận cùng đến đó. Cách duy nhất để tránh ong đốt là nhảy xuống ao và lặn để mất mùi. Trước đây, khi mới tập tành săn ong, tôi bị đốt như cơm bữa. Đốt nhiều giờ quen rồi nên bị vài chục mũi cũng chẳng sao nữa.
Nói xong, A Mua chuẩn bị châm lửa hun khói từ dưới gốc lên tổ để làm loạn đàn ong. Bởi, một khi đàn ong say khói thì công việc lấy mật sẽ dễ dàng hơn. Sau khi châm lửa xong, A Mua bảo 2 người em đứng dưới gốc cây canh lửa, phòng không cho lửa cháy lan vào rừng. Đồng thời, ra dấu cho chúng tôi lùi xa tổ ong khoảng 20 bước chân. Nếu không muốn bị hàng trăm con ong khoái nhao vào đốt.
Sau đó, A Mua dùng màn làm nón bảo hộ, đeo gùi chứa túi nilon bên trong lên lưng, dao buộc thắt lưng, cầm ngọn đuốc trèo lên lấy mật. Với tài leo trèo giỏi như khỉ của mình, mất khoảng vài phút, A Mua đã trèo lên tới tổ ong. Tới nơi, A Mua dùng bật lửa châm vào ngọn đuốc để xua đuổi đàn ong. Đàn ong vỡ tổ, bay vù vù, một lúc sau say khói và tự tan để lộ mảng sáp ong mật vàng ươm to bằng mâm cơm. A Mua nhanh tay rút con dao đeo lưng gọt phấn ong vào gùi trước, tiếp đó đến nhộng ong và cuối cùng cắt phần sáp chứa mật cho vào một túi riêng để tránh bị lẫn. Nếu không biết cắt sẽ làm sáp và nhộng lẫn vào mật thì mật sẽ bị chua và hỏng, không có người mua.
Trên đường trở về nhà, A Mua lưu ý, công việc lấy mật ong cũng có những nguyên tắc nhất định của nó. Khi lấy mật xong, phải dùng nước dập tắt lửa hoàn toàn mới được ra khỏi rừng. Không bắt ong thợ để đàn ong không bị tan rã, tiếp tục lao động sản xuất cho những mùa vụ tiếp theo. Đặc biệt, muốn ong khoái về làm tổ và lấy được lộc rừng về nuôi sống gia đình thì phải làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Rừng càng nhiều, ong kéo về làm tổ càng đông. Vì vậy, người dân trong bản Huổi Men luôn bảo ban nhau chăm sóc tốt diện rừng hiện có. Không phá, đốt rừng làm nương.
Về đến nhà, A Mua đem miếng sáp ong đầy mật lên cân, nặng trên 5kg. Với giá 150.000 đồng/kg. Và với 5kg mật ong khoái này sẽ giúp gia đình A Mua kiếm được một khoản tiền không nhỏ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, theo A Mua, để săn được thứ gọi là lộc rừng này, hiểm nguy luôn rình rập. Người lái mật phải có kỹ năng nhất định, chịu được đau, không sợ độ cao. Chỉ cần sơ suất một chút, trượt chân hoặc giẫm phải cành cây khô thì có thể đánh đổi cả bằng mạng sống của mình.
Bản Huổi Men có trên 30 hộ dân là đồng bào người Mông sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của bản chiếm 99%. Nhờ săn ong khoái lấy mật, nhiều hộ dân nơi đây đã thêm đồng ra đồng vào để cải thiện cuộc sống.